EVFTA Việt Nam - EU: Đôi bên cùng có lợi

VCCI| 27/06/2019 09:37

Ngày 25/6, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA). Như vậy sau 9 năm đàm phán, EVFTA đã đi đến chặng cuối cùng và sẽ được ký vào ngày 30/6/2019.

ADQuảng cáo

Ngành Thủy sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, khi mà 90% dòng thuế đánh vào mặt hàng thủy sản giảm xuống còn 0%. Ảnh tư liệu

Nếu như việc ký kết thuận lợi, hai hiệp định này sẽ trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn, hiệp định về tự do thương mại được coi là chính thức hoàn tất và đi vào hiệu lực, trong khi hiệp định về bảo hộ đầu tư cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU tuân thủ theo các tiến trình nội bộ của từng nước.

Bên cạnh những tác động về chính trị, ngoại giao, EVFTA và IPA được thực thi sẽ có những biến đổi căn bản về kinh tế, đặc biệt giao thương xuất nhập khẩu Việt Nam - EU.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore, với tổng quan hệ thương mại hàng hóa ở mức 49,3 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức trên 3 tỷ euro. Trong khi đó đầu tư của EU vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn hiện ở mức 6 tỷ euro năm 2017, con số các công ty châu Âu thiết lập hiện diện tại đây để phục vụ toàn khu vực ASEAN đang ngày một tăng.

EU chủ yếu nhập khẩu các thiết bị viễn thông, giày dép, dệt may, đồ nội thất và các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam bao gồm máy móc, thiết bị vận tải, hàng hóa chất và các sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Thuế về 0%, hàng Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế và xóa gần 100% sau 7 năm. Trong khi đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, sau 7 năm mức này được nâng lên 91,8%, sau 10 năm là 98,3%.

Theo Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ là rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

ADQuảng cáo

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Bên cạnh đó, những cam kết về quản trị Nhà nước sẽ bảo đảm một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng.

FTA mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam. Ảnh tư liệu

EU được hưởng lợi lớn

Thông quan EVFTA và IPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn. Hiệp định này cũng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một Hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.

Các công ty châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước. Bên cạnh việc đưa ra những cơ hội kinh tế lớn, EU và Việt Nam cũng nhất trí về các biện pháp phát triển bền vững.

Cao ủy về Thương mại của EU bà Cecilia Malmstrom nhận định: Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn và năng động với trên 95 triệu người tiêu dùng, và cả hai phía có rất nhiều điều có lợi từ quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn. Vượt xa các lợi ích rõ ràng về kinh tế, hiệp định này cũng hướng tới củng cố hơn nữa việc tôn trọng các quyền về con người cũng như bảo vệ môi trường và các quyền của người lao động.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu ông Jean-Claude Juncker khẳng định: Sau Singapore, hiệp định với Việt Nam là hiệp định thứ hai mà EU hoàn thành với một quốc gia Đông Nam Á, và nó là những hòn đá tảng thúc đẩy sự can dự lớn hơn giữa châu Âu và khu vực này. Đó cũng là một tuyên bố chính trị của hai đối tác, của hai người bạn cùng sát cánh vì một nền thương mại dựa trên luật lệ, cởi mở và công bằng.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) là gì?

Hiện có nhiều cách hiểu về các Hiệp định thương mại tự do. Theo cách hiểu chung nhất thì một Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều Thành viên nhằm loại bỏ các rào cản đối với phần lớn thương mại giữa các Thành viên với nhau.

FTA có thể mang nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ Hiệp định Đối tác Kinh tế (Economic Partnership Agreement), Hiệp định thương mại Khu vực (Regional Trade Agreement)… nhưng bản chất đều là các thỏa thuận hướng tới tự do hóa thương mại giữa các Thành viên.

Thành viên của các FTA có thể là các quốc gia (ví dụ Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ…) hoặc các khu vực thuế quan độc lập (ví dụ Liên minh châu Âu, Hồng Kông Trung Quốc…). Vì vậy, thông thường khi nói tới Thành viên FTA, người ta hay dùng từ chung là “nền kinh tế”.

Các FTA có thể là song phương (2 Thành viên) hoặc đa phương/khu vực (nhiều hơn 2 Thành viên).

Phạm vi “thương mại” trong các FTA được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh sinh lời, trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả các vấn đề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới thương mại (sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, môi trường…).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVFTA Việt Nam - EU: Đôi bên cùng có lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO