Duy trì chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát

Lê Dung| 18/09/2019 09:52

Mặc dù chịu tác động của rất nhiều yếu tố khách quan, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đắk Nông trong 8 tháng đầu năm vẫn được duy trì ổn định. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để kịp thời có phương án điều chỉnh CPI phù hợp cho những tháng còn lại của năm 2019.

ADQuảng cáo

Người dân tham quan, mua sắm hàng hóa tại một hội chợ thương mại được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa năm 2019. Ảnh: Lê Phước

CPI vẫn theo kịch bản

Theo Cục Thống kê tỉnh, CPI bình quân của Đắk Nông trong 8 tháng đầu năm tăng 2,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong những tháng đầu năm 2019, các yếu tố của tăng giá điện, xăng dầu, Dịch tả lợn châu Phi, dịch vụ y tế… đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới CPI trên toàn tỉnh. Theo đó, 6/11 nhóm hàng đã có chỉ số CPI tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng mạnh và cao hơn so với bình quân toàn tỉnh là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 5,48%); nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng (tăng 3,2%).

Theo đánh giá, cùng với giá điện, xăng dầu tăng liên tiếp trong tháng 3 và 4 thì trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt nắng nóng, nên đã ảnh hưởng lớn tới CPI của các dịch vụ. Đặc biệt, ở nhóm Nhà hàng và dịch vụ ăn uống, do tác động của dịch tả lợn châu Phi cùng với thời tiết thất thường đã kéo CPI của nhóm hàng này tăng mạnh nhất so với mặt bằng chung. Trong khi đó, phần lớn lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến phục vụ tiêu dùng đều phụ thuộc vào các nguồn cung từ các tỉnh khác, nên cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng…

Dịch tả lợn châu Phi có tác động không nhỏ tới CPI 8 tháng qua

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Cục phó Cục Thống kê tỉnh, mặc dù CPI của tỉnh trong 8 tháng tăng cao, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và diễn biến đúng như kịch bản đã xây dựng trước đó. Bởi vì, ở một số nhóm hàng tuy có tăng, nhưng chỉ ở trong 1 vài tháng nhất định. Còn trên thực tế lại không tăng so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ như ở nhóm thuốc và dịch vụ y tế, do có sự điều chỉnh giá, nên chỉ tăng trong tháng 8, trong khi, bình quân 8 tháng lại giảm 1,02% so với cùng kỳ. Hay như ở nhóm giao thông, do sự cạnh tranh nhiều giữa các nhà xe trong việc tăng dịch vụ, tăng tuyến đi các tỉnh, thành phố nên cũng đã làm cho giá dịch vụ giảm xuống đáng kể…

Ngoài ra, do giá một số mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê… giảm mạnh, nên thời gian qua cũng đã tác động trực tiếp tới nguồn thu nhập và nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh.

ADQuảng cáo

CPI của nhóm Nhà hàng và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất trong 8 tháng đầu năm 2019

Bám sát diễn biến thị trường

Theo dự báo của ngành Thống kê, trong những tháng cuối năm, CPI toàn tỉnh sẽ tăng khoảng 1,2%. Như vậy, CPI trong cả năm 2019 của Đắk Nông sẽ chỉ tăng 3,62% so với năm trước, tương đương với bình quân cả nước.

Nhóm giáo dục sẽ không tăng trong những tháng cuối năm do nhu cầu mua sắm thiết bị học tập phục vụ năm học mới không còn nhiều

Căn cứ vào tình hình CPI 8 tháng đầu năm cho thấy, CPI toàn tỉnh đang ở mức thấp. Hiện tại, về cơ bản, nguồn cung, cầu các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm. Thị trường ổn định, không có nhiều biến động. Từ nay tới cuối năm, theo nhận định cũng sẽ có nhiều nhóm hàng có xu hướng giảm mạnh. Trong đó, nhóm Giáo dục chỉ tăng ở thời điểm năm học mới và những tháng sau đó sẽ giảm do người dân không có nhu cầu. Nhóm Bưu chính viễn thông cũng sẽ giảm bởi năm nào cũng vậy, vào cuối năm, các đơn vị viễn thông sẽ đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá... để tăng sức cạnh tranh cũng như thu hút thị phần.

Đối với việc tăng giá dịch vụ y tế đối với các đối tượng không hưởng bảo hiểm y tế cũng không tác động nhiều. Do số lượng người không sử dụng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh cũng chỉ chiếm khoảng 13-14% so với dân số… Qua đó cho thấy, công tác điều hành của tỉnh vẫn đang được thực hiện một cách tích cực và chặt chẽ. Đây cũng sẽ là những điều kiện tốt giúp cho công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm được thuận lợi.

Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Hoàng Hảo (Gia Nghĩa)

Tuy nhiên, ông Tỉnh cũng cho biết thêm, kịch bản này diễn ra với điều kiện là không có những yếu tố làm tác động lớn đến mặt bằng giá cả. Trong đó, xăng dầu, điện, nước… được xem là yếu tố đầu tiên và tác động ngay lập tức khi có sự điều chỉnh giá từ thị trường. Tiếp đó là lãi suất của hệ thống ngân hàng và tỷ số hối đoái giữa Việt Nam đồng với USD… Ngoài ra, còn một số yếu tố khó có thể nhận định và dự báo là sẽ tác động cụ thể tới CPI những tháng cuối năm như thời tiết, dịch bệnh… Vì vậy, cùng với việc xây dựng các phương án điều tiết thị trường vào cuối năm, các ngành cũng đã chủ động theo sát diễn biến của thị trường để có sự điều tiết phù hợp nhất.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy trì chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO