Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2011 - 2020: Thất bại vì "khoảng cách" quá xa thực tế

Lê Dung| 18/06/2019 08:42

Sau gần 8 năm triển khai, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2011-2020” (gọi tắt là Dự án) với mục tiêu giúp đỡ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh đã không mang lại kết quả như mong muốn.

ADQuảng cáo

Sản xuất cửa nhựa lõi thép tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ân Lâm, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp)

Dự án được triển khai từ năm 2011, với mục tiêu tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Thông qua Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cải tiến của các doanh nghiệp về năng suất và chất lượng đến năm 2020.

Cụ thể, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 100 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực tham gia Dự án và đi vào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ; 100% sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt yêu cầu chất lượng xuất khẩu; 100% sản phẩm, hàng hóa thuộc diện áp dụng quy chuẩn kỹ thuật được chứng nhận và công bố hợp quy…

Để đạt những mục tiêu trên, trong giai đoạn đầu  (2011-2015) Dự án thực hiện xác định các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia Dự án; phân tích, đánh giá hiện trạng năng suất lao động, chất lượng và quản lý chất lượng của doanh nghiệp; xác định nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại về năng suất chất lượng các sản phẩm hàng hóa chủ lực; đào tạo bồi dưỡng kiến thức về năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động…

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), cho đến thời điểm này, kết quả của Dự án là rất khiêm tốn. Đến nay, Dự án mới tiến hành được 2 đợt khảo sát tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các nội dung như: Hoạt động, trạng thái năng suất, chất lượng của một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực.

Cùng với đó, Dự án đã tổ chức được 12 hội nghị phổ biến các nội dung về: Giới thiệu dự án; các hệ thống quản lý chất lượng; công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng; tập huấn về hệ thống chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp; đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa...

ADQuảng cáo

Sau 8 năm, toàn tỉnh mới chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia Dự án và được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2008 và Công cụ 5S. Đó là: Công ty Gỗ MDF Long Việt và Công ty Cổ phần Đầu tư & Xuất nhập khẩu An Phong. So với mục tiêu hỗ trợ cho 100 doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2020 mà Dự án hướng tới, đây là con số rất thấp (chỉ chiếm tỷ lệ 0,02%).

Về nguyên nhân, theo đánh giá của Sở KHCN, phần lớn các nội dung thực hiện của Dự án đều có "khoảng cách" quá xa so với thực tế các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đang có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, yếu kém về trình độ quản lý sản xuất.

Cũng vì lý do đó nên nhiều doanh nghiệp chưa tin tưởng và cũng chưa có điều kiện để áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng theo mục tiêu của Dự án. Các hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng chưa thực sự tốt, giá thành sản phẩm thường bao gồm cả những chi phí không công khai, nên họ rất ngại tham gia vào Dự án…

Một nguyên nhân khác đó là vấn đề nhân lực. Theo đó, lĩnh vực nâng cao năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi là chuyên gia, người đa năng, có trình độ. Thế nhưng, đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực này lại không nhiều, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, nguồn vốn thực hiện Dự án chủ yếu từ ngân sách Nhà nước và rất hạn hẹp, dựa vào nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học là chính. Vì vậy, mức hỗ trợ của Dự án cho doanh nghiệp chỉ dao động từ 15 - 30 triệu đồng/hệ thống. Hơn nữa, khi tham gia Dự án lại còn phải đối ứng kinh phí, nên hầu như các doanh nghiệp đều không mấy “mặn mà”...

Theo ông Nguyễn Viết Thuật, Phó Giám đốc Sở KHCN, Dự án nằm trong Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 21/5/2010. Tuy nhiên, với thực trạng nêu trên, vừa qua, Sở KHCN đã trình UBND tỉnh xem xét, quyết định ngừng triển khai Dự án hoặc chuyển nguồn kinh phí sang nhiệm vụ khác để mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2011 - 2020: Thất bại vì "khoảng cách" quá xa thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO