Đóng góp của kinh tế tư nhân còn hạn chế

Bình Minh (t.h)| 19/03/2019 09:56

Diễn đàn “Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019”, do Viện Kinh tế Việt Nam vừa được tổ chức ngày 15/3, tại Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, vấn đề đặt ra hiện nay là cần đối xử bình đẳng và từ bỏ cơ chế xin cho.

ADQuảng cáo

Đóng gói sản phẩm gạch lát nền tại Công ty CP Gốm Đất Việt, TX. Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh tư liệu

Theo đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân được coi là khu vực kinh tế quan trọng, nhưng đóng góp thực của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính của tình hình đó là môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản. Trên thực tế, World Bank đã đánh tụt xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống 1 hạng, xếp thứ 69/190 nước, khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể (31% GDP), trong khi doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất hạn chế, chỉ 8% GDP.

Thực tế, kinh tế tư nhân trong nước lẽ ra phải đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, lại chỉ đóng góp 8%. Trong khi đó, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp; số doanh nghiệp vừa chiếm ít, chỉ khoảng 1,7%. Tỷ trọng quá nhỏ của nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ hơn cả tỷ trọng của doanh nghiệp lớn (chiếm 2%), chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó lớn, chậm lớn và khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vài năm gần đây không có bước tiến đáng kể. Nổi bật hơn cả là sự tăng trưởng mạnh của khu vực FDI, thể hiện xu thế “bành trướng” và gây áp lực lên khu vực nội địa một cách đáng lo ngại.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vẫn còn sự “nhùng nhằng” trong tư duy và quan điểm về xác định vai trò của các thành phần kinh tế theo hướng duy trì tình trạng phân biệt đối xử, bảo vệ cơ chế “xin cho”, khiến thể chế chính sách về môi trường kinh doanh và phân bổ nguồn lực thiên lệch, tạo nhiều rào cản phát triển đối với cả khu vực tư nhân lẫn khu vực nhà nước.

ADQuảng cáo

Sản xuất thực phẩm chế biến tại một doanh nghiệp tư nhân

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các quy định đặc thù. Ông Trần Đình Thiên thẳng thắn nêu quan điểm, thực chất cho đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt đúng nghĩa. Cùng lắm ta mới quan tâm đến việc thành lập nhiều doanh nghiệp chứ chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chậm phát triển là do nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi, nặng tính thiên kiến, chủ quan; không định hướng phát triển các thị trường và các lực lượng thị trường đúng nghĩa. Ngoài ra, định hướng chiến lược phát triển các lực lượng thị trường sai lệch nghiêm trọng, phủ nhận nguyên lý cạnh tranh thông qua việc áp dụng các chính sách “phi thị trường”, “xin cho”, bình quân, hay việc áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường cũng là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển.

Để kinh tế tư nhân bứt phá, ông Trần Đình Thiên đề xuất, phải coi việc phát triển các thị trường theo đúng nghĩa, coi phát triển kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong 5-7 năm tới; phải coi kinh tế tư nhân là lực lượng, động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường và phải được áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng cơ cấu.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần có những giải pháp để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó tập trung giải tỏa các vấn đề căn bản – dài hạn về cơ cấu và cơ chế. Theo đó, cần tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đóng góp của kinh tế tư nhân còn hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO