Đồng bào Cư K'nia biết chuyển hướng làm ăn để làm giàu

Phạm Khánh| 03/09/2020 07:45

Biết chuyển hướng làm ăn kịp thời, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Cư K'nia (Cư Jút) có cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu, có được sự ổn định và bền vững hơn.

ADQuảng cáo

Sản xuất đa cây đa con

Một thời thấy hiệu quả cao, ông Dương Trung Nguyên, dân tộc Tày ở thôn 8 đã trồng 2 ha tiêu. Ông phải vay mượn người thân, ngân hàng để đầu tư. Giờ đây, khi giá tiêu thấp, ông lại chuyển đổi theo một hướng mới để phát triển kinh tế một cách bền vững hơn.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, đa ngành nghề, gia đình ông Dương Trung Nguyên phát triển kinh tế ổn định, xây nhà kiên cố

Thế nhưng, ông không phá cây tiêu mà chỉ cải tạo, cắt tỉa bớt để trồng xen vào cây gỗ dổi. Bởi từ 2 ha tiêu vẫn cho sản lượng trên 8 tấn, trừ chi phí, ông vẫn có thu nhập được 100 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, ông sử dụng để đầu tư trồng xen cây gỗ dổi mà không phải vay mượn, nợ nần. Khoảng 2 năm nữa, từ hạt cây gỗ dổi sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình, bởi 1 kg hạt gỗ dỗi hiện tại có giá trên dưới 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để không phụ thuộc hoàn toàn vào cây tiêu, gia đình ông Nguyên còn đầu tư chăn nuôi lợn, gà, vịt và dê. Mỗi năm, riêng nuôi và bán được 3 lứa lợn, mỗi lứa 50 con, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi được trên 50 triệu đồng. Để chủ động nguồn giống, không phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, ông còn nuôi 8 con lợn nái phục vụ cho hoạt động chăn nuôi của mình.

Từ chăn nuôi lợn, bình quân mỗi năm, gia đình ông Nguyên thu nhập trên 50 triệu đồng

Riêng việc nuôi gà, vịt cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày cho cả gia đình 6 miệng ăn. Việc nuôi dê cũng mang lại nguồn lợi về kinh tế cho gia đình. Một năm, gia đình ông bán được 20 con, trừ các khoản chi phí đầu tư giống, thu về 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn kết hợp với việc mở dịch vụ xay xát gạo, tuốt lúa.

Ông Nguyên cho biết: “Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi vẫn duy trì chăm sóc những loại cây đã trồng dù hiệu quả thấp và chuyển hướng sản xuất đa cây, đa con. Việc trồng, chăn nuôi nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã bổ trợ cho nhau khi giá cả thị trường từng loại bấp bênh. Từ mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, dịch vụ xay xát, làm hệ thống bioga, gia đình tôi không mất chi phí mua phân bón, nhiên liệu đốt và thực phẩm. Hiện tại kinh tế gia đình tôi ổn định, thu nhập bình quân hàng năm trên 200 triệu đồng".

Vườn quýt đường của anh Nông Đình Tuyến cho sản lượng trên 33 tấn

ADQuảng cáo

Tự tin, an tâm

Tương tự, gia đình anh Nông Đình Tuyến, dân tộc Tày ở thôn 11 trước đây cũng đã dồn mọi nguồn lực vào trồng tiêu, giờ chuyển hướng sang nuôi cá lồng. Tận dụng lòng hồ thủy lợi cạnh nhà, ban đầu không có vốn, anh nuôi 2 lồng với 40 kg giống cá diêu hồng, chép, rô phi. Sau năm đầu tiên bán được 2 lứa cá, trừ các khoản chi phí giống, thức ăn, anh có lãi được 40 triệu đồng.

Với số tiền có được từ bán cá, anh bắt tay vào đầu tư trồng 1 ha quýt đường. Sau 5 năm, vườn cây ăn trái của anh đi vào thu chính, đạt sản lượng hơn 33 tấn. Với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, vườn quýt cho doanh thu gần 500 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lãi về trên 400 triệu đồng.

Cùng với nuôi cá, trồng cây ăn trái, anh Tuyến còn đầu tư chăn nuôi vịt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Một năm, anh nuôi và bán được 10 lứa vịt, mỗi lứa 2.000 con, trừ chi phí có thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, hiện nay anh đang phát triển mở rộng chăn nuôi thỏ giống, thỏ thịt, với tổng đàn lên đến 120 con.

Anh Tuyến cho hay: “Khi mình chuyển hướng sang trồng trọt và chăn nuôi các loại thì thu nhập cũng ổn định hơn, lâu dài hơn. Ngày trước, mình trồng tiêu bị bệnh chết, mất giá, kinh tế gia đình gặp khó khăn, không có nguồn thu nào khác. Nhưng giờ thì khác, nhiều loại cây trồng, vật nuôi bổ trợ cho nhau nên tôi tự tin, an tâm. Hiện nay, bình quân tổng thu nhập của gia đình tôi từ chăn nuôi, trồng cây ăn trái là trên 600 triệu đồng”.

Chăn nuôi vịt mang lại cho anh Tuyến nguồn thu 200 triệu đồng

Dìu dắt, giúp đỡ nhau

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K'nia, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm gần đây, rất nhiều hộ đồng bào luôn nỗ lực tìm hiểu, học hỏi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế rất tốt, có thu nhập bình quân từ 250 triệu - 500 triệu đồng/năm.

Điều quan trọng nhất, những hộ làm trước lại hướng dẫn cho những hộ làm sau, dìu dắt, giúp đỡ nhau để cùng phát triển nên hộ nghèo trong xã giảm. Cụ thể, năm 2018, toàn xã có 123 hộ nghèo thì năm 2019 chỉ còn 86 hộ  nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào Cư K'nia biết chuyển hướng làm ăn để làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO