Doanh nhân từ nông dân

Phan Tuấn| 03/05/2016 10:57

Anh Phạm Xuân Tùng, ở thôn 10, xã Nam Bình (Đắk Song) từ một nông dân “chân lấm tay bùn”, đã biết nắm bắt thời cơ, trở thành doanh nhân sản xuất, phân phối bao bì với quy mô lớn.

ADQuảng cáo

Biết nắm bắt thời cơ

Khoảng 10 năm về trước, gia đình anh Tùng sinh sống bằng nghề trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… Còn hiện nay anh là Giám đốc Doanh nghiệp Tùng Anh chuyên sản xuất, phân phối bao bì có quy mô lớn ở huyện Đắk Song. Hiện nay, doanh nghiệp của Phạm Xuân Tùng không chỉ có lợi nhuận ổn định gần 2 tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Doanh nghiệp Tùng Anh tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương

Theo lời anh Tùng chia sẻ, hồi đó, cứ mỗi khi đến mùa vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu… bà con ở đây lại cứ phải chạy đôn, chạy đáo tìm mua bao bì với số lượng lớn để cất giữ sản phẩm. Thế nhưng, để mua được bao bì thì không hề đơn giản, bà con phải lặn lội xuống tận các tỉnh thành khác, vừa tốn kém tiền bạc, lại mất thời gian. Thấy rõ cơ hội, cả gia đình anh quyết định mở cửa hàng kinh doanh bao bì phục vụ cho người dân quanh vùng.

Không dừng lại ở đó, trong quá trình nhập hàng từ các cơ sở sản xuất bao bì, anh thấy việc mở nhà máy sản xuất sản phẩm này không khó, gia đình hoàn toàn có thể làm được. Xuất phát từ ý nghĩ đó, anh Tùng đã tạm gác việc kinh doanh buôn bán lại và quyết tâm học nghề sản xuất bao bì. Tùng xin vào làm công nhân cho một xưởng sản xuất bao bì ở TP. Hồ Chí Minh để học nghề. Đến năm 2006, sau khi đã “học lỏm” được công nghệ, anh Tùng bàn bạc với gia đình quyết định dồn vốn, đầu tư hơn 11 tỷ đồng để mở nhà máy sản xuất bao bì ngay tại địa phương.

Có thể nói, với sự mạnh dạn, quyết tâm và hướng đi đúng, doanh nghiệp sản xuất bao bì của anh Tùng đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm bao bì của anh Tùng đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và còn vươn rộng ra các tỉnh thành khác.

ADQuảng cáo

Tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Theo anh Tùng, khác với những ngày đầu khi mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn về thị trường “đầu ra” của sản phẩm, hiện nay, đơn vị đã khai thác tốt những tiềm năng về nguyên liệu, nguồn lao động của địa phương để phát triển với quy mô lớn, bền vững. Đi cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh, Doanh nghiệp Tùng Anh đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho gần 40 lao động, hầu hết là người dân trên địa bàn huyện.

Anh Trần Văn Thành, một công nhân đã gắn bó với doanh nghiệp gần 10 năm nay nói: “Tất cả những công nhân ở đây đều là những nông dân không có trình độ tay nghề cũng như kỹ năng vận hành các loại máy móc công nghiệp. Khi ấy, nhiều người cứ nghĩ sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Thế nhưng, chủ doanh nghiệp không vội vàng mà luôn quan tâm hướng dẫn chúng tôi từng bước nắm bắt công việc một cách bài bản. Thậm chí, doanh nghiệp còn thuê chuyên gia về “cầm tay chỉ việc” cho công nhân chúng tôi ngay tại nhà máy này. Vì vậy, hiện nay, tất cả những công nhân đã vận hành các loại máy móc công nghiệp một cách thành thạo và tự tin gắn bó, làm việc lâu dài với doanh nghiệp”.

Anh Trần Văn Vũ, một công nhân khác chia sẻ: “Ngày trước, mình dự định xuống Bình Dương xin làm công nhân cho các nhà máy. Sau đó, mình may mắn được Doanh nghiệp Tùng Anh ở gần nhà tuyển dụng vào làm việc. Hiện nay, công việc của mình khá ổn định với mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Điều đáng mừng là doanh nghiệp luôn quan tâm đến điều kiện sức khỏe, chế độ giờ giấc làm việc, lương thưởng xứng đáng… nên công nhân ở đây yên tâm làm việc”.

Cũng theo anh Tùng thì hiện nay, doanh nghiệp đang trả lương cho công nhân với mức  trung bình từ 5-11 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đời sống của hầu hết công nhân làm việc ở đây đều cơ bản ổn định, có nguyện vọng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển sản xuất, tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới để nâng cao năng lực sản xuất, cũng như đời sống cho công nhân, tạo thêm nhiều việc làm mới cho những người lao động có nhu cầu.

Theo UBND xã Nam Bình, thời gian qua, Doanh nghiệp Tùng Anh đã góp phần giúp địa phương giải quyết công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động. Với các chính sách, chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp đang thực hiện không những thắt chặt mối quan hệ giữa công nhân và doanh nghiệp mà còn giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân… trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân từ nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO