Doanh nghiệp, doanh nhân cần cải tổ hoạt động để phù hợp với bối cảnh mới

Lê Dung thực hiện| 13/10/2020 08:28

Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945-13/10/2020), Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có buổi phỏng vấn ông Ngô Tùng Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Daknoruco, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, xung quanh việc hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo

Ông Ngô Tùng Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Daknoruco, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

PV: Ông có thể đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông trong những tháng đầu năm 2020?

Ông Ngô Tùng Lâm: Ở góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp, qua các buổi gặp gỡ, cà phê doanh nhân, tôi nhận thấy, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới toàn cầu nói chung và doanh nghiệp Đắk Nông nói riêng. Có thể nói, khó khăn chồng khó khăn, nhất là doanh nghiệp của chúng ta lại ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là các nhà đầu tư thường chậm về thời gian, tiến độ thực hiện các dự án qua các giai đoạn giãn cách xã hội và sau đó là các doanh nghiệp nhỏ thuộc lĩnh vực dịch vụ, việc tiếp cận về vốn càng không hề dễ dàng.

 Nói chung phần lớn các doanh nghiệp đều có nguồn vốn nhỏ, nên khi kéo dài thời gian giãn cách xã hội thì xem như là sẽ dừng lại và bế tắc. Đứng trước những khó khăn chung, việc làm của người lao động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp đến nay hầu như không tiếp cận được, nhất là nguồn vốn vay không lãi suất, do các điều kiện vay rất khó đáp ứng...

Mỗi doanh nghiệp ở mỗi ngành kinh doanh đều có khó khăn, nhưng nhìn chung đều giảm sút về mọi mặt. Bên cạnh đó, giá cả của một số mặt hàng hầu như thấp hơn so với trước đại dịch xảy ra. Tình trạng này kéo dài cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, dừng kinh doanh.

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 239 doanh nghiệp xin tạm dừng kinh doanh, tăng 6,2% và 71 đơn vị xin giải thể, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động không hiệu quả, thiếu vốn sản xuất, khó khăn trong tiếp cận thị trường…

PV: Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có những giải pháp hỗ trợ cụ thể gì, thưa ông?

ADQuảng cáo

Ông Ngô Tùng Lâm: Hiệp hội đã linh hoạt, chủ động có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Nếu như trước đây, những ý kiến tại buổi cà phê doanh nhân, thường hết tháng chúng tôi mới tổng hợp lại, trình UBND tỉnh để có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhưng trong thời gian gần đây, bất cứ doanh nghiệp nào có kiến nghị lên, việc đầu tiên là chúng tôi cùng với họ nghiên cứu hồ sơ, các quy định và kiến nghị ngay lên các ngành liên quan và UBND tỉnh bằng văn bản để giải quyết cụ thể từng việc một. Ví dụ như về gia hạn thời gian đầu tư dự án, cơ cấu nợ vay đối với một số ngân hàng, cải cách hành chính…

Một mặt, chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, những việc nào kiến nghị chưa thỏa đáng thì sẽ tiếp tục kiến nghị để có được kết quả cuối cùng. Măc dù hội viên chưa nhiều, với khoảng gần 100 doanh nghiệp trong Hiệp hội, nhưng đây cũng phần nào thể hiện sự cố gắng của Hiệp hội trong vai trò cầu nối cùng với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp cùng tương trợ lẫn nhau. Đó là giúp nhau tiêu thụ sản phẩm cùng ngành hàng hoặc có liên quan, để tạo điều kiện cho các bên có nguồn thu và giảm bớt các chi phí lưu thông. Giải pháp thiết thực này đã thu hút sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

PV: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục làm gì để vượt qua khó khăn chung này?

Ông Ngô Tùng Lâm: Dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến khó lường. Vì vậy, về phía cộng dồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu phải xác định rõ rằng, trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội. Vì vậy, tùy từng tiềm lực, ngành nghề kinh doanh, mỗi doanh nghiệp phải cố gắng đánh giá lại chính mình để có thể ứng biến trong mọi thách thức của thị trường.

Bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại một cách khách quan rằng, chính trong những giông bão đó lại là môi trường để mỗi doanh nghiệp tự sắp xếp, cải tổ lại hoạt động. Những doanh nghiệp đến nay vẫn hoạt động tốt, ngoài những điều kiện, tiềm lực, tiềm năng sẵn có thì có thể khẳng định, chính họ đã sớm có những hành động cụ thể để cơ cấu lại hoạt động cho phù hợp với bối cảnh mới.

Còn một việc có vẻ không lớn, nhưng rất quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân xem là chiến lược lâu dài, đó là Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành (DDCI). Chúng tôi sẽ cố gắng đánh giá thật khách quan, giúp lãnh đạo tỉnh thấy được những sở, ngành nào còn yếu để sớm có “thuốc” chữa. Có như vậy, những chính sách, những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh mới sớm được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về lâu dài.

Cuối cùng, xin gửi lời chúc các doanh nghiệp, doanh nhân tròn 75 tuổi luôn vững vàng trong mọi thử thách, tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh, góp sức cùng xây dựng địa phương ngày càng phát triển!

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp, doanh nhân cần cải tổ hoạt động để phù hợp với bối cảnh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO