Doanh nghiệp bộn bề khó khăn trong đầu tư, sản xuất

Công Tính| 27/07/2020 06:10

UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập Ban Chỉ đạo 562 để xử lý khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, qua thực tế cho thấy, vẫn còn bộn bề những khó khăn, thách thức ở phía trước…

ADQuảng cáo

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/4/2020, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 562).

Tác động của dịch Covid-19 đã làm hơn 550 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành (Đắk Mil) làm việc tại xưởng mộc

Doanh nghiệp bị tác động lớn

Trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Lĩnh vực vay vốn được tập trung vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay… cũng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai.

Tính đến 30/6/2020, dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 3.405 tỷ đồng (chiếm 11% tổng dư nợ) với khoảng 600 doanh nghiệp; trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn 3.000 tỷ đồng.

Hơn 550 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo Ban Chỉ đạo 562, trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động lên 553 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do lao động nghỉ việc. Toàn tỉnh có 850 lao động bị mất việc làm, hơn 3.200 lao động ngừng việc. Trong số này chỉ có hơn 1.700 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài hỗ trợ vốn vay, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành tiếp thu, trả lời những kiến nghị, khó khăn, tố cáo của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết 39 kiến nghị của 25 doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể. Qua rà soát, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá một lần. 

Mặc dù UBND tỉnh đã có những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng thách thức, khó khăn vẫn còn rất nhiều. Trước hết, những vướng mắc liên quan đến đất đai của doanh nghiệp chưa được xử lý dứt điểm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp bị chậm lại, nguồn thu sụt giảm mạnh. Phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng, nên khi hàng hóa không tiêu thụ được dẫn đến những khó khăn trong trả nợ và nộp thuế. Chưa kể, một số doanh nghiệp không có vốn để tiếp tục thu mua nông sản của nông dân theo hợp đồng đã ký kết, dẫn đến khó khăn chồng chất… 

Ì ạch dự án ngoài ngân sách

ADQuảng cáo

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách, bước đầu, Ban Chỉ đạo 562 đã rà soát 18 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Chiếm phần lớn ở đợt rà soát này là lĩnh vực nông nghiệp với 7 dự án; năng lượng và hạ tầng mỗi lĩnh vực 3 dự án; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch 4 dự án và một dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Lĩnh vực kinh doanh vận tải chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19

Kiểm tra các dự án thì mới có 4 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhưng cũng đang gặp khó khăn vướng mắc. Ngoài ra, có 10 dự án đang triển khai, nhưng chậm tiến độ và 4 dự án chưa triển khai.

Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo 562 đã hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án. Đối với các dự án chậm tiến độ, Ban Chỉ đạo đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương chấm dứt hoạt động 3 dự án theo quy định. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 562 tiếp tục tổ chức các đoàn rà soát các dự án ngoài ngân sách được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc…  

Tiểu dự án các công trình hạ tầng kỹ thuật hồ Gia Nghĩa vướng giải phóng mặt bằng, nên có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt rất thấp

Với nhiều nỗ lực, tình hình thu hút vốn đầu tư vào Đắk Nông đã có những tín hiệu lạc quan. Trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 1.300 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh thu hút 7 dự án, vốn đăng ký hơn 229 tỷ đồng). Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án với tổng vốn đề xuất đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng... Tuy nhiên, để các dự án này đi vào triển khai thì cần có sự quyết tâm nỗ lực rất cao của các cấp, ngành và địa phương có liên quan.

Chấm dứt hợp đồng 61 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách

Tính đến 12/6/2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 350 dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (chưa bao gồm các dự án ở trong các khu công nghiệp). Trong số các dự án được chấp thuận chủ trương, có 230 dự án đi vào hoạt động, 32 dự án đang triển khai đúng tiến độ, 15 dự án đang triển khai, nhưng chậm tiến độ, 61 dự án chấm dứt hoạt động và còn lại chưa triển khai.

Không riêng gì các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, ngay cả những dự án dùng nguồn vốn đầu tư công cũng gặp nhiều ách tắc. Trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh mới đạt 35,4% (640 tỷ đồng trong tổ số vốn hơn 2.000 tỷ đồng được phân bổ). Cũng theo Ban Chỉ đạo 562, giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua còn chậm và chưa phát huy được vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội tỉnh. Nguyên nhân, do các chủ đầu tư còn chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, chưa chủ động, quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Phân công lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra các dự án đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ban Chỉ đạo 562 đã thành lập 3 tổ theo dõi gồm: Tổ Văn hóa-Xã hội do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng làm Tổ trưởng Tổ Nông nghiệp-PTNT và Tổ Công nghiệp-Xây dựng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải làm Tổ trưởng.

Qua kiểm tra, lĩnh vực công nghiệp-xây dựng giải ngân đạt 44%; các lĩnh vực văn hóa-xã hội và nông nghiệp-PTNT có tỷ lệ giải ngân đều đạt 29%.

Vốn giải ngân thấp chủ yếu do vướng mặt bằng. Vì vậy, nhiều dự án được bố trí nguồn vốn năm 2020 rất lớn như Tiểu dự án các công trình hạ tầng kỹ thuật hồ Gia Nghĩa bố trí hơn 156 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 6,82 tỷ đồng, đạt 4,34%...

Những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều, trong khi nguồn vốn đầu tư công giải ngân thấp đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Để tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh đạt 7,91% như kế hoạch (6 tháng đầu năm đạt 6,09%) sẽ đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất và hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bộn bề khó khăn trong đầu tư, sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO