Doanh nghiệp biến “nguy thành cơ”

Tường Mạnh| 19/04/2020 11:15

Chương trình “Cất cánh” do VTV1-Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp vào tối thứ Bảy ngày 18/4 mới đây với chủ đề “Doanh nghiệp chung tay vượt qua đại dịch Covid-19” đã thu hút đông đảo khán giả xem cũng như tương tác (thể hiện qua màn hình tivi).

ADQuảng cáo

Trong số những nhân vật được mời đến để đăng đàn, diễn thuyết tại chương trình, bà Ninh Thị Ty-Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May Hồ Gươm và Công ty May Chiến Thắng, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Hà Nội) đã gây nhiều ấn tượng, thiện cảm đối với người xem. Sự ấn tượng không phải vì sự nổi tiếng của bà mà quan trọng hơn cả là bài diễn thuyết hết sức xúc động, nhất là nói về những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức bĩ cực do đại dịch Covid-19.

Bà Ninh Thị Ty cho rằng, cần phải chuyển hướng mạnh mẽ sang “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”, Ảnh tư liệu

Theo lời bà Ninh Thị Ty, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong cả nước, doanh nghiệp dệt may của bà cũng lâm vào giai đoạn bi đát chưa từng có, vì hầu hết các đơn hàng mà các đối tác ở châu Âu, châu Mỹ đặt trước đó đều hủy bỏ, hoặc giảm đến 70%. Trong khi đó, các nhà máy thuộc công ty có mặt ở khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn…với hơn 10.000 công nhân lâu nay có việc làm ổn định thì bỗng chốc gần như thất nghiệp.

Đứng trước tình cảnh đó, với vai trò là người đứng đầu công ty, ban đầu bà Ty cũng “rối như tơ vò”, hàng ngày như “ngồi trên đống lửa” vì cứ mỗi sáng thức dậy mở email ra thì toàn thấy đối tác xin thông cảm, hủy bỏ đơn hàng. Làm gì để doanh nghiệp với hàng chục nghìn lao động cầm cự, vượt qua thử thách ngoài sức tưởng tượng trong giai đoạn hiện nay là điều khiến bà cũng như ban lãnh đạo công ty luôn mất ăn mất ngủ. Gánh nặng đề trên vai bà lúc này là công ăn việc làm, thu nhập, đời sống của biết bao người lao động cùng gia đình họ đang trông chờ vào sự chèo lái của đội ngũ lãnh đạo công ty.

ADQuảng cáo

Trong những đêm mất ngủ đó, bà nghiền ngẫm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “Chống dịch như chống giặc” và hồi tưởng lại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với bao khó khăn, vất vả chồng chất mà cả dân tộc Việt Nam đã anh dũng vượt qua và giành chiến thắng oanh liệt trước kẻ thù. Vậy là, ngay lập tức, bà họp ban lãnh đạo công ty và đưa ra bàn thảo tinh thần “Chống dịch như chống giặc” nghĩa là “thời chiến”, doanh nghiệp cũng cần phải có những đối sách, ứng phó linh hoạt, nhanh chóng, thần tốc, không được do dự. Bà đem ý tưởng đó trao đổi với những đồng nghiệp trẻ-những người chưa từng kinh qua chiến tranh biết thế nào là “thời chiến” để có biện pháp ứng phó, xử lý cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thế rồi, trong “cái khó ló cái khôn”, tinh thần “thời chiến” được doanh nghiệp của bà Ty ứng dụng bằng việc chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng y tế phục vụ chống dịch Covid-19 như may khẩu trang, đồ bảo hộ y tế…Biến “nguy thành cơ”, doanh nghiệp liên tiếp nhận được những đơn đặt hàng với số lượng lớn từ các nước trên khắp thế giới, nhất là Mỹ và châu Âu. Nhà máy hoạt động trở lại, công nhân có việc làm, thu nhập phần nào ổn định để cầm cự, vượt qua giai đoạn bĩ cực.

Chưa dừng lại ở đó, cuối chương trình, khi tương tác, trả lời một số câu hỏi của khán giả về việc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, người dân nói chung cần phải làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp, bà Ninh Thị Ty còn gây ấn tượng về phát biểu của mình. Bà Ty kể một câu chuyện, có một người bạn của bà ra nước ngoài, vào siêu thị mua chiếc áo, sau khi về nước mở ra xem thì thấy in mác “made in Việt Nam” thì “than thở” với bà là “bị lừa”. Bà Ty liền nói: “Đáng ra chị phải tự hào vì đã mua được sản phẩm của Việt  Nam ở nước ngoài chứ. Hiện nay, riêng về xuất khẩu hàng dệt may, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, chỉ tính riêng năm 2019 đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD. Vì vậy, chuyện các siêu thị ở nước ngoài bán sản phẩm may mặc của Việt Nam nhiều là điều bình thường và chúng ta phải cảm thấy tự hào về điều đó”.

Kết cho bài diễn thuyết của mình, bà Ninh Thi Ty cho rằng, đã đến lúc cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải chuyển hướng mạnh mẽ sang “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”. Người Việt không phải dừng lại ở sự so sánh, chọn lựa ưu tiên hay không nữa mà phải có lòng tự hào về hàng Việt như tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc vậy.

Có mặt tại chương trình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực vượt khó, chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Trong khó khăn, thách thức, truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam lại có dịp tỏa sáng, tạo hình ảnh đẹp trên trường quốc tế. Vì vậy, hơn bao giờ hết, để góp sức cùng doanh nghiệp Việt Nam vượt qua đại dịch cũng như lâu dài về sau, người Việt Nam phải tự hào khi dùng hàng Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp biến “nguy thành cơ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO