Đi tìm nguyên nhân và giải pháp chống hạn ở Đắk Nông (kỳ 3): Chống chủ quan trước khi chống hạn

Đức Hùng| 03/06/2020 09:37

Lâu nay, nhiều người dân vẫn sản xuất nông nghiệp theo quán tính, ít chú ý tuân thủ quy hoạch, hướng dẫn của ngành chức năng. Chính sự chủ quan này đã dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó có đối mặt với hạn hán. Để khắc phục vấn đề này, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải kiểm soát được quá trình phát triển diện tích cây trồng tại các địa phương, bảo đảm quy hoạch sản xuất...

ADQuảng cáo

Vẫn còn "mạnh ai nấy làm"...

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển mông nghiệp tỉnh, thời gian qua, người dân ít quan tâm đến khuyến cáo của ngành chức năng trong phát triển sản xuất. Người dân hầu như tự quyết định trồng cây gì, sản xuất như thế nào trên diện tích đất của gia đình mình. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng có phần chủ quan, chưa theo sát diễn biến mở rộng diện tích, phát triển cây trồng của người dân theo đúng quy hoạch sản xuất.

Cây ngắn ngày là giải pháp tạo nguồn thu nhập cho người dân bị thiệt hại bởi hạn hán

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Krông Nô) cho biết, địa phương có hơn 4.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Trong số này, có nhiều diện tích cây trồng mới được người dân phát triển, mở rộng trong vài năm trở lại đây. Đó đều là những diện tích nằm ngoài khu vực được quy hoạch sản xuất. Chính quyền địa phương đã có sự vận động, khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào để phát triển sản xuất một cách tự phát, thiếu hợp lý. Thế nhưng, vì lợi ích trước mắt, nhiều người dân vẫn chủ quan, phớt lờ các khuyến cáo, phát triển cây trồng theo ý riêng của mình.

"Dựa vào tình hình thực tế, địa phương đang định hướng cho các hộ chuyển đổi cây trồng ở những khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán", ông Sơn chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Thành Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân (Krông Nô) cho biết, địa phương đang rất loay hoay trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bởi vì, trồng cây gì cũng phải chủ động nguồn nước. Thực tế nhu cầu sản xuất của người dân là rất lớn và ngày càng lớn hơn. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi ở Nam Xuân nói riêng và các địa phương khác nói chung vẫn còn rất hạn hẹp, chưa theo kịp nhịp độ phát triển sản xuất của người dân.

"Nếu nói khống chế, không cho dân phát triển sản xuất, mở rộng diện tích cây trồng là rất khó. Vì đó là nhu cầu, là lợi ích và cũng là kế sinh nhai của họ. Nếu chúng ta khống chế, cứng nhắc với quy hoạch thì sẽ là chủ quan, không hợp lý. Do đó, để chống hạn hiệu quả, về lâu về dài, chúng ta phải triển khai đồng bộ cả về quản lý sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi", ông Viên phân tích.

ADQuảng cáo

Cần có những giải pháp căn cơ

Bàn về giải pháp chống hạn lâu dài, ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil cho biết, trước hết tỉnh cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống thủy lợi. Bởi vì trên thực tế, nhu cầu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất có quy mô, thời gian qua đã phát triển rất nhanh. Trong khi đó, hệ thống các công trình thủy lợi nhiều năm qua hầu như không có nhiều thay đổi, tổng dung tích nước tích trữ được hàng năm không có sự gia tăng đáng kể. Do đó, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thiếu nước tưới cho cây trồng trầm trọng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng cần tiếp tục rà soát những diện tích không phù hợp để chuyển đổi cây trồng hợp lý. Việc phát triển các công nghệ tưới nước tiết kiệm cũng cần được chú trọng. Qua đó, để từng bước giảm tải việc sử dụng nước và hạn chế rủi ro mỗi khi xuất hiện hạn hán.

Chuyển đổi từ cà phê sang cây ăn quả được xem là giải pháp lâu dài để chống hạn hiệu quả

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil trao đổi, để chuyển đổi cây trồng thành công cần phát huy tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp; đồng thời, người dân phải tích cực phối hợp thực hiện thì mới mang lại hiệu quả cao. Đối với huyện Đắk Mil, ngành Nông nghiệp mạnh dạn đề xuất các xã thiệt hại về hạn hán chuyển đổi cây trồng, đưa xoài, mít vào sản xuất. Vì hiện nay 2 loại cây trồng này cho thu nhập tốt hơn cà phê. Để thị trường nông sản bền vững, cần áp dụng sản xuất theo quy trình, hình thành vùng nguyên liệu để từng bước xây dựng, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, khi hỏi về đầu ra cho các loại cây này ông Điệp cho rằng với vai trò, khả năng của địa phương rất khó để kết nối thị trường tiêu thụ.

Còn ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô đề xuất: Giải pháp lâu dài là phát triển nông nghiệp bền vững, nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch nông nghiệp. Mặt khác, chúng ta phải tính đến chuyện chống biến đổi khí hậu. Đó là giữ vững và từng bước khôi phục diện tích quy hoạch ba loại rừng, tập trung phát triển rừng bền vững để nâng cao độ che phủ của rừng.

Theo Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND, ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh quy định, các huyện Krông Nô, Cư Jút và Đắk Mil khi đầu tư xây dựng công trình trữ nước sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế; 50% chi phí vật liệu và thiết bị; 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng cống và kiên cố kênh mương. Người dân các địa phương này cũng được hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/ha khi đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Đối với thành phố Gia Nghĩa và các huyện còn lại, được hỗ trợ 70% các chi phí nói trên.

Cũng nói về vấn đề chống hạn, ông Lê Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Về lâu về dài, tỉnh cần thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm để đáp ứng nguồn nước tưới. Cùng với đó, các địa phương cần tiến hành nạo vét các hồ chứa, khai thông các kênh trục chính, nâng cấp các đập thủy lợi nhằm tăng dung tích chứa nước. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý để góp phần "giảm tài" nguồn nước tưới...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp chống hạn ở Đắk Nông (kỳ 3): Chống chủ quan trước khi chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO