Để xuất khẩu lao động thực sự là “kênh” giảm nghèo bền vững

Nguyễn Hiền| 28/07/2015 08:58

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện tại toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) phối hợp với các địa phương tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

ADQuảng cáo

Thực hiện nội dung của đề án Xuất khẩu lao động giai đoạn 2010-2015, nhiều đối tượng đã được hưởng lợi từ chính sách vay vốn từ 50 - 80 triệu đồng/lượt người như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, công an và bộ đội hoàn thành nghĩa vụ, hộ khó khăn về tài chính do ốm đau, bệnh tật…

Theo đó, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 59 lượt người được vay vốn hỗ trợ đi XKLĐ với tổng dư nợ là 1.897 triệu đồng. Từ khi triển khai thực hiện đề án, toàn tỉnh đã có 993 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 82%. Trong đó, các đối tượng tham gia nhiều như lao động là dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, diện khó khăn…

Các thị trường thu hút nhiều lao động gồm: Malaysia: 293 lao động, Đài Loan: 207 lao động, Nhật Bản: 219 lao động, Hàn Quốc: 96 lao động… Việc làm của lao động cũng rất phong phú, đa dạng và phù hợp với nhu cầu của người tham gia như: may công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử, xây dựng, cơ khí, thực phẩm, đóng gói, sản xuất đồ nội thất… Thu nhập bình quân của người lao động phụ thuộc vào ngành nghề và thị trường làm việc, nhưng dao động từ 8 - 20 triệu đồng/người/tháng.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh mới đây, ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội khẳng định, thực tế cho thấy, công tác XKLĐ thật sự là “kênh” giảm nghèo bền vững và hiệu quả.

Qua khảo sát thông tin từ người lao động và các báo cáo thì từ năm 2010 đến nay, số tiền người lao động gửi về cho gia đình là trên 30 tỷ đồng, giúp khoảng 200 hộ từng bước giảm nghèo.

ADQuảng cáo

Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Pản ở thôn 8, xã Đắk R’la (Đắk Mil) vốn thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền, nhưng từ khi có con tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc thì đã tích góp được 1,5 tỷ đồng giúp gia đình mua thêm đất để canh tác cao su, hồ tiêu và mua sắm nhiều phương tiện sản xuất, vật dụng có giá trị.

Hay như chị Võ Thị Thu Duyên ở thôn 2, xã Đắk Som (Đắk Glong) đi XKLĐ ở Malaysia, với thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng nên đã trang trải được nợ nần và từng bước ổn định cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong thực tế, việc triển khai thực hiện đề án đến thời điểm này vẫn có những hạn chế nhất định. Cụ thể như hoạt động của Ban chỉ đạo XKLĐ cấp cơ sở còn kém, ít hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được sâu rộng và thường xuyên. Do thiếu thông tin, chưa am hiểu về hoạt động XKLĐ nên nhiều người, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ái ngại.

Qua chất vấn của các đại biểu về một số chỉ tiêu chưa đạt, ông Huỳnh Ngọc Anh cũng nêu lên một số giải pháp để thực hiện thành công đề án theo đúng lộ trình vào cuối năm 2015. Theo đó, cùng với việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân về chủ trương hỗ trợ XKLĐ, mở rộng đối tượng là học sinh, sinh viên, ngành sẽ tập trung cho công tác đào tạo nhằm nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu XKLĐ.

Biện pháp trước mắt và lâu dài là các ngành chức năng, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ về kinh phí mở các lớp dạy nghề lưu động. Cùng với đó, đơn vị cũng sẽ tăng cường cấp giấy phép hoạt động XKLĐ, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp có văn phòng đại diện tại nước sở tại và có hợp đồng đưa người lao động sang làm việc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để xuất khẩu lao động thực sự là “kênh” giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO