Đầu tư công cần hạn chế chuyển tiếp các công trình sang giai đoạn sau

Nguyễn Hiền| 12/12/2019 09:05

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu cho rằng, việc hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020 sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đề ra, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp là điều cần thiết.

ADQuảng cáo

Giải ngân vốn đạt thấp

Thực hiện Nghị quyết 18/NQ-HĐND tỉnh ngày 14/12/2018 của HĐND tỉnh về việc thông qua kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2019 để các sở, ngành, địa phương thực hiện.

Dự án bảo tồn phát huy giá trị lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo hiện nay đang chậm so với tiến độ đề ra

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng vốn kế hoạch đầu tư công do các địa phương quản lý là trên 2.345 tỷ đồng và ước giải ngân đến 31/1/2020 đạt 87,5% kế hoạch, cao hơn 9% so với tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 vẫn còn đạt thấp. Thậm chí đến hết tháng 10, một số dự án giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 đạt chỉ dưới 50%, hoặc chưa có khối lượng giải ngân mặc dù đã được giao kế hoạch đầu năm. Một số dự án có kế hoạch chuyển nhiệm vụ chi từ năm 2018 sang năm 2019 giải ngân cũng chưa đạt 70%.

Cụ thể, các dự án: Công viên hồ Thiên Nga (Gia Nghĩa); Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Đức; Chương trình phát triển và bảo vệ rừng; Dự án bảo tồn phát huy giá trị lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo...

Riêng dự án Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch và nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới do Sở Nông nghiệp-PTNT làm điều phối, năm 2019 giải ngân quá thấp, chỉ đạt 31% kế hoạch, phải chuyển nguồn từ năm 2019 sang năm 2020. Năm 2020 dự kiến bố trí dự án này 74,991 tỷ đồng nhưng do quá chậm so với kế hoạch nên nếu không thực hiện quyết liệt sẽ không hoàn thành được như cam kết.

Do nhiều nguyên nhân

ADQuảng cáo

Theo UBND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm. Trong đó, nguyên nhân chủ quan được xác định là do nhiều chủ đầu tư năng lực còn yếu, thiếu sự nghiên cứu, nắm bắt các quy định đầu tư xây dựng, chậm trễ hoàn thiện các thủ tục đầu tư và có tâm lý chủ quan trong công tác giải ngân. Một số huyện, thị xã thực hiện ủy quyền chủ đầu tư cho cơ quan không có chuyên môn về đầu tư xây dựng nên quá trình thực hiện quy trình đầu tư xảy ra sai sót, chậm trễ nhưng không kịp thời tháo gỡ được các vướng mắc. Sự phối hợp của một số cơ quan chuyên môn còn chậm, còn đùn đẩy trách nhiệm, làm dự án chậm được phê duyệt, điều chỉnh.

Những vướng mắc của các dự án không được giải quyết triệt để, tình trạng giải tỏa mặt bằng kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Năng lực một số đơn vị tư vấn còn yếu kém, dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần khi triển khai. Một số nhà thầu không phối hợp hoàn thiện các thủ tục quyết toán hoàn thành dự án. Thực tế hiện nay còn nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện xong công tác quyết toán để làm cơ sở bố trí vốn tất toán công trình. Công tác thẩm định và phê duyệt hồ sơ quyết toán còn chậm so với yêu cầu.

Một số lãnh đạo cấp huyện chưa sâu sát chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn do địa phương mình quản lý. Một số cơ quan chức năng, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ báo cáo định kỳ và các báo cáo theo yêu cầu. Chất lượng báo cáo sơ sài, thiếu thông tin, đánh giá, gây khó khăn cho cơ quan tổng hợp trong tham mưu UBND tỉnh để tháo gỡ kịp thời.

Cần phải quyết liệt, có chế tài nghiêm

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh trên 2.155 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 455,327 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương 915,702 tỷ đồng; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia 360,624 tỷ đồng; nguồn ODA l256,9 tỷ đồng; nguồn trái phiếu Chính phủ 167,27 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa III đã thống nhất thông qua kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020 do UBND tỉnh trình. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, với tiến độ giải ngân nhiều dự án hiện nay còn đạt thấp và không đạt sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư công năm 2020. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, UBND tỉnh cần tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, tìm hiểu nguyên nhân chính của hạn chế nhằm có những giải pháp thích đáng cho từng trường hợp có liên quan.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cũng yêu cầu việc phân bổ ngân sách phải đúng theo cơ cấu ngành, lĩnh vực, ưu tiên thanh toán nợ, đầu tư chuyển tiếp. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm phân cấp cho các huyện, thị xã theo Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành nhằm hạn chế tối đa các công trình chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Để khắc phục những hạn chế kéo dài, UBND tỉnh cần nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục cụ thể.

Trong đó, UBND tỉnh cần phải quyết liệt, có chế tài nghiêm khắc trong việc quản lý, thực hiện đầu tư công năm 2020 theo Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đối với các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện không bảo đảm tiến độ, chất lượng kém, giải ngân thấp, gây thất thoát lãng phí. UBND tỉnh cũng cần tập trung xử lý vướng mắc trong quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch sử dụng đất với các dự án đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2020.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư công cần hạn chế chuyển tiếp các công trình sang giai đoạn sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO