Đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản: Công tác tập huấn, kiểm tra được tăng cường

Trần Lê| 16/12/2014 09:58

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh thì trong năm 2014, đơn vị đã đẩy mạnh việc tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn về những quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm đến các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

ADQuảng cáo

Theo đó, đơn vị đã tổ chức được 28 lớp tập huấn tại 8 huyện, thị xã cho hơn 700 lượt học viên là các chủ cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác, công nhân, lao động, nông dân tham gia.

Một lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho công nhân Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp)

Để việc tập huấn được sát với nhu cầu thực tế, đơn vị đã tiến hành điều tra nhu cầu của từng nhóm học viên, ngành nghề để đưa ra nội dung cụ thể, gắn với những vấn đề xảy ra, còn tồn tại ở cơ sở. Hoạt động này không chỉ giúp cho học viên có thể nâng cao nhận thức mà còn hướng đến việc giải quyết những hạn chế về mặt nhận thức, thủ tục, hồ sơ, kho xưởng, nhân lực… Chính vì thế, nhiều cá nhân, tổ chức đã từng bước khắc phục được những lỗi mắc phải từ những năm trước, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng vật tư nông nghiệp,  an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) thì qua việc được tham gia các lớp tập huấn của ngành chức năng, lãnh đạo và người lao động của doanh nghiệp đã khắc phục được dần những hạn chế của nhà máy sản xuất.

ADQuảng cáo

Hiện nay, các xưởng được công ty xây dựng, tu sửa theo “quy tắc một chiều”, từ khu vực bảo quản sản phẩm ban đầu là nguyên liệu mới được thu mua về, đến các khu vực thực hiện các công đoạn bóc tách vỏ cứng, sấy, phân loại, khử trùng, đóng gói. Công nhân làm việc trong nhà máy thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, thực hiện việc vệ sinh lao động sạch sẽ.

Còn bà Nguyễn Thị Dinh, thôn Đức Đoài xã Đức Minh (Đắk Mil) cho biết: “Qua các lớp tập huấn, hiện tôi đã biết sử dụng nước sạch, vệ sinh dụng cụ hàng ngày, không sử dụng các loại hóa chất kích thích, chất cấm trong sản xuất giá đậu. Chính vì thế, sản phẩm của tôi luôn an toàn cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng, khách hàng nhiều hơn. Cơ sở của tôi cũng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Song song với nâng cao nhận thức cho cộng đồng, năm 2014, ngành chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra việc đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Hoạt động trên được triển khai nhiều hơn ở những đơn vị để xảy ra các lỗi nặng từ những năm trước, nhất là cơ sở xếp loại C. Qua đó, bên cạnh hướng dẫn, các đơn vị còn đôn đốc, giám sát việc triển khai các biện pháp khắc phục để được xếp loại cao hơn.

Trong năm 2014, toàn tỉnh đã có 40 cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 360 cơ sở được các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT kiểm  tra, đánh giá, xếp loại, tăng 43 cơ sở so với năm 2013. Điều đáng nói là số cơ sở đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đạt trên 96%, tăng 5% so với năm ngoái, cơ sở chưa đủ điều kiện giảm từ 8,67% năm 2013 xuống còn 3,89%.

Ông Nguyễn Cầu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết thêm: “Hiện nay, toàn tỉnh mới có 4 cơ sở được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap), các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến như GMP, SSOP, HACCP còn ít. Chính vì thế, trên cơ sở những kết quả đạt được, trong những năm tới, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ chú trọng vào việc hướng dẫn, hỗ trợ những cơ sở, nông hộ có tiềm năng, sản xuất, chế biến theo các chuẩn này, nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, áp dụng quản lý chất lượng theo chuỗi, góp phần xây dựng những sản phẩm đặc trưng của Đắk Nông”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản: Công tác tập huấn, kiểm tra được tăng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO