Đắk Song xây dựng nhãn hiệu cho hồ tiêu

Thanh Nga| 31/03/2015 09:11

Với lợi thế về đất đai, điều kiện khí hậu, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cây hồ tiêu đã phát triển mạnh, trở thành cây trồng chủ lực của huyện Đắk Song, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, hiện toàn huyện có gần 5.700 ha hồ tiêu, sản lượng vụ 2014-2015 đạt trên 7.430 tấn. Có thể nói, cây hồ tiêu đã giúp nhiều hộ dân làm giàu, ổn định cuộc sống.

Do biết áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, vườn hồ tiêu của chị Nguyễn Thị Sen, xã Thuận Hạnh đạt năng suất 6 tấn/ha

Điều đáng nói hơn, trước yêu cầu thiết thực của người trồng hồ tiêu cần có sự hỗ trợ, giúp sức trong việc sản xuất, năm 2013, UBND huyện Đắk Song đã vận động thành lập Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song, quy tụ những người có kinh nghiệm sản xuất tham gia, rồi thu hút các thành viên khác.

Với việc các địa phương tích cực vận động, khuyến khích, nên hiện nay, Hiệp hội đã có khoảng 200 thành viên tham gia cùng nhau sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sản xuất tiêu cũng như mở rộng thị trường. Hoạt động của Hiệp hội trước mắt vẫn là tập trung vào việc hướng dẫn, khuyến khích các thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển cây tiêu theo hướng bền vững hơn.

ADQuảng cáo

Theo  ông Bùi Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N'jang, thành viên Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song thì để giúp nông dân có thêm nhiều kiến thức trong việc sản xuất hồ tiêu, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng hồ tiêu cho người dân. Vì vậy, nông dân trong vùng đang chuyển mạnh từ canh tác tự phát sang canh tác theo quy hoạch để phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Tại các vùng trồng hồ tiêu với diện tích lớn, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn.  Hiện nay, Hiệp hội hồ tiêu Đắk Song đã xây dựng được 10 ha hồ tiêu sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn bền vững của Việt Nam tại 4 xã trồng tiêu trọng điểm của huyện là Đắk N’drung, Nâm N’jang, Thuận Hà, Thuận Hạnh, với việc tăng cường tổ chức tập huấn cho người dân hiểu và thực hiện quy trình sản xuất này.

Việc liên kết “4 nhà” gồm: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân để phát triển bền vững cây hồ tiêu cũng được thực hiện. Điển hình như huyện đã thu hút được Công ty Xuất nhập khẩu An Phong đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tiêu sọ xuất khẩu và liên kết với nông dân trong việc sản xuất nên đầu ra sẽ thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế cho cây hồ tiêu ở địa phương, UBND huyện Đắk Song đã xúc tiến đăng ký xây dựng Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Đắk Song và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đến nay, hồ sơ đã hoàn thành, được UBND tỉnh phê duyệt và đang trình Cục Sở Hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song khẳng định, với tiềm năng, thế mạnh về cây hồ tiêu, việc xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu Đắk Song là điều hết sức cần thiết để giúp nông dân tăng thêm chuỗi giá trị cũng như khẳng định chất lượng, vị thế sản phẩm hồ tiêu của huyện trên thị trường trong và ngoài nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song xây dựng nhãn hiệu cho hồ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO