Đắk Mil: Tìm hướng phát triển thủy lợi thích ứng với thực tiễn

Lương Nguyên| 31/05/2018 09:50

Trong điều kiện biến đổi khí hậu dẫn đến mực nước mặt, nước ngầm suy giảm thì việc linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp công trình, phi công trình đang được huyện Đắk Mil (Đắk Nông) thực hiện để đáp ứng nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Đó là vận động người dân xây dựng các ao, hồ nhỏ để trữ nước, có cơ chế quản lý, giám sát các công trình một cách khoa học, hiệu quả, bảo vệ tốt các công trình trong dân… là những giải pháp mà huyện Đắk Mil đang triển khai để tăng nguồn nước tưới phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn. 

Công trình thủy lợi đập Sa Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) đang được đầu tư xây dựng

Mới đáp ứng được 70% nhu cầu tưới

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil, địa phương hiện có 44 công trình thủy lợi lớn, nhỏ được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Đắk Mil quản lý 36 công trình và 54 km kênh mương. Còn lại 8 công trình hồ, đập do UBND các xã, các nông trường và người dân quản lý. Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu đối với diện tích các loại cây trồng trên địa bàn, việc đầu tư, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi đã được địa phương rất mực chú trọng.

Trong giai đoạn 2011-2017, bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án, toàn huyện Đắk Mil đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 22 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí hơn 138 tỷ đồng. Trong đó huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 10 công trình, với tổng mức đầu tư gần 81 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Mil xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 12 công trình với tổng kinh phí hơn 57 tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện nay, một số công trình do xây dựng từ lâu đã bị bồi lấp, trong khi thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên hiện đã xuống cấp, hạn chế tích trữ nguồn nước. Các công trình thủy lợi trên địa bàn thường phân tán nên công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng nguồn nước gặp không ít khó khăn.

ADQuảng cáo

Thực tế hiện tổng diện tích cây trồng cần tưới nước trên địa bàn huyện Đắk Mil vào khoảng hơn 24.700 ha. Theo tính toán của phòng chuyên môn, các công trình thủy lợi trên địa bàn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tưới cho hơn 7.400 ha cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil cho biết: “Các công trình thủy lợi mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tưới. Số diện tích còn lại được tưới từ các sông, suối, ao, giếng khoan của người dân. Tuy nhiên, mực nước từ các sông, suối, ao hồ cũng chỉ đáp ứng thêm được 40% nhu cầu nước tưới nữa. Như vậy, tổng năng lực tưới toàn huyện mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu diện tích cây trồng”.

Đẩy mạnh xây dựng mô hình thủy lợi nhỏ

Trước tình trạng các công trình thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu tưới, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu nguồn nước thì đầu tư xây dựng các ao, hồ chứa nước nhỏ là một trong những chủ trương đã, đang được huyện Đắk Mil chú trọng triển khai.

Là một trong những địa bàn có diện tích cây công nghiệp lớn, hiện xã Đức Mạnh đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân xây dựng các ao, hồ trữ nước. Theo ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, đối với địa phương, hiện tại dung lượng nước trên các đập thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu của người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu xảy ra hạn hán kéo dài, nguy cơ thiếu nước sẽ không tránh khỏi.

Cũng theo ông Quyền, để đáp ứng đủ nhu cầu tưới nước đối với diện tích cây trồng của người dân, xã Đức Mạnh cần xây dựng thêm 4 đập thủy lợi nữa, với tổng kinh phí khá lớn. Trong lúc nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp, địa phương đã đề xuất với cấp trên nên phát triển các hồ, đập nhỏ có sự phối hợp theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước sẽ hỗ trợ phần kỹ thuật, thiết kế và một phần kinh phí. Còn về phía người dân sẽ hiến đất, cây trồng. Nếu làm được như thế này, các địa phương sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Không những thế, các công trình khi được người dân xây dựng, quản lý, bảo vệ thì chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, lâu nay vẫn còn tình trạng nhiều công trình thủy lợi có dung tích nước lớn được giao cho các xã, thị trấn quản lý, nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp chuyên môn. Việc này dẫn đến tình trạng xuống cấp, sử dụng nước tưới lãng phí; duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Trước tình trạng này, để đáp ứng nhu cầu tưới nước cho cây trồng, huyện tiếp tục phát triển các công trình thủy lợi quy mô nhỏ ở trong dân. Bởi việc xây dựng các hồ ao có tác dụng rất lớn, vừa thuận tiện nhu cầu nước tưới, vừa được người dân quản lý, bảo vệ, sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn. Hằng năm, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình, hồ đập trên địa bàn. Qua đó, các địa phương đã vận động nhân dân tu sửa, nạo vét các tuyến kênh mương để phục vụ sản xuất. Đối với các công trình hư hỏng, xuống cấp, địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, khảo sát, từ đó, đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil: Tìm hướng phát triển thủy lợi thích ứng với thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO