Đắk Mil tập trung nâng cao giá trị nông sản

Đức Hùng| 21/09/2021 08:52

Bằng cách chuyển đổi cây trồng, sử dụng giống mới năng suất cao, áp dụng kỹ thuật canh tác hiệu quả..., huyện Đắk Mil từng bước nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

ADQuảng cáo

Mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn cây

Gia đình anh Hoàng Văn Sáng, ở thôn Thuận Bắc, xã Thuận An (Đắk Mil), có 2 ha cà phê đang cho thu hoạch. Đây là diện tích cà phê được trồng từ lâu, đã già cỗi, năng suất thấp.

Do đó, anh Sáng đã tiến hành tái canh vườn cà phê bằng giống cà phê dây tại địa phương. Cà phê dây có nhiều ưu điểm như trái to, dễ hái, chống chịu hạn tốt, năng suất cao.

Sau nhiều năm tái canh, đến nay, toàn bộ 2 ha cà phê đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha, vượt xa mức bình quân trước đây. Anh Sáng chia sẻ: "Tôi tự tìm hiểu và học hỏi để tái canh giống cà phê chất lượng. Từ đó, nâng giá trị của sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mình".

Nông dân xã Đức Mạnh thu hoạch sầu riêng

Còn anh Trần Văn Huy, ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật để chăm sóc hơn 400 cây sầu riêng Ri6 trồng xen trong rẫy cà phê. Hiện nay vườn sầu riêng đang cho thu hoạch năm thứ 4.

Theo anh Huy, sầu riêng là loại cây khó trồng. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, anh phải tốn khá nhiều công sức. Anh tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc vườn sầu riêng một cách hiệu quả.

Trong đó, anh luôn chú trọng phòng các loại bệnh nấm quả, nấm lá và rễ để sầu riêng mới cho quả đạt chất lượng, mẫu mã đẹp. Hiện nay, vườn sầu riêng của gia đình anh mang lại mức thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

ADQuảng cáo

Vườn sầu riêng của anh Huy luôn được thương lái đến chốt giá thu mua ngay từ đầu vụ. Anh Huy chia sẻ: "Tôi đang áp dụng các quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp, đăng ký truy xuất nguồn gốc để nâng giá trị sầu riêng".

Vùng sản xuất cà phê Thuận An

Hình thành sản xuất tập trung

Huyện Đắk Mil hiện có hơn 20.000 ha cà phê và 1.135 ha cây ăn trái. Trong đó, xoài 468 ha, sầu riêng 351 ha, bơ và cây ăn trái khác 315 ha. Hiệu quả kinh tế các loại cây trồng mang lại tương đối cao, nhất là cây xoài, bơ, sầu riêng..., với khoảng 300 triệu/ha. 

Đối với cây cà phê, huyện tích cực thực hiện Chương trình phát triển cà phê bền vững, với hơn 1.410 ha sản xuất theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade.

Huyện đang xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu xoài, sầu riêng và bơ Đắk Mil. Tại xã Đắk Gằn đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp để làm cầu nối tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái.

Ông Cao Đức Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil cho biết, huyện đang hỗ trợ các vùng sản xuất nông sản tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.

Huyện định hướng từ nay đến năm 2025 sẽ hình thành 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung vào cây cà phê, xoài... Những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là cơ sở để huyện hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với cây sầu riêng, huyện định hướng thành lập các hợp tác xã, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil tập trung nâng cao giá trị nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO