Đắk Mil nhận diện những thách thức để phát triển cà phê bền vững

Bài, ảnh: Văn Tâm| 27/06/2016 16:27

Với diện tích trên 21.000 ha, nhưng hoạt động sản xuất cà phê của huyện Đắk Mil chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ mang tính chất nông hộ. Hiện nay, huyện không chỉ gặp vấn đề khó khăn do số diện tích vườn cây cà phê già cỗi đang ngày càng gia tăng, mà còn phải đối mặt với những thách thức bởi nhiều yếu tố về tự nhiên và xã hội…

ADQuảng cáo

Những hạn chế được nhận diện

Một trong những thách thức mà các cấp chính quyền và người trồng cà phê trên địa bàn lo ngại là tình hình biến đổi khí hậu làm thay đổi quy luật thời tiết. Trong khi đó, quy trình chăm sóc cây cà phê của nông dân còn hạn chế và chưa hợp lý. Chẳng hạn như việc bón phân, hiện trung bình người nông dân bón thừa khoảng 42kg N, 40 kg P2 O5 và 22kg K2O so với năng suất đạt được, tương ứng với 22 triệu đồng/ha.

Theo UBND huyện, toàn huyện có 87% người trồng cà phê sử dụng biện pháp hóa học để phòng chống sâu bệnh hại. Trong quá trình sử dụng thuốc hóa học, nông dân không áp dụng phương thức phun khi có sâu bệnh, phun cục bộ, điều này đã làm tăng chi phí bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Về thu hoạch, tuy việc thu hoạch quả cà phê khi còn xanh có xu hướng ngày càng giảm, song hiện vẫn còn khoảng 30% số hộ thu hoạch cà phê với tỷ lệ chín dưới 70%. Tỷ lệ quả cà phê còn xanh cao sẽ làm cho chất lượng cà phê nhân bị ảnh hưởng, giá bán sẽ thấp hơn, vì vậy thu nhập của người trồng cà phê cũng giảm theo.

Một thách thức nữa là diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Theo số liệu của Đề án nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng vườn cà phê trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 – 2020, diện tích cà phê cần cải tạo và trồng thay thế là 7.640 ha, chiếm 36% diện tích cà phê toàn huyện. Với diện tích cà phê già cỗi như vậy thì sản lượng cà phê của huyện có xu hướng ngày càng giảm là điều dễ thấy.

Đẩy mạnh giải pháp phát triển bền vững

Trước những thực trạng về tình hình sản xuất cà phê còn nhiều hạn chế đó, huyện Đắk Mil đã và đang xây dựng giải pháp, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cà phê theo hướng bền vững đã và đang mang lại nhiều kết quả nhất định.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Hồ Văn Hoan ở thôn 11B, xã Đắk Lao có 3 ha cà phê. Trước đây, gia đình ông chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, nhưng từ khi được tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây cà phê của huyện tổ chức, ông đã có thêm nhiều kiến thức về canh tác cà phê hơn.

Ông Hoan cho biết: “Hơn 4 – 5 năm trước, vườn cà phê của gia đình tôi bị suy giảm do canh tác lâu năm, được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi đã nhổ bỏ những cây già cỗi, bị bệnh, cho năng suất thấp và xử lý đất, sau đó trồng thay thế bằng giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng kháng bệnh cao… Nhờ đó, vườn cà phê của gia đình tôi vụ thu hoạch vừa rồi đạt từ 6 – 7 tấn/ha”.

Còn gia đình ông Trần Văn Tuấn ở thôn 9 B, xã Đắk Lao cũng có gần 2 ha cà phê ở giai đoạn kinh doanh. Ông Tuấn cho hay: “Để vườn cây sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao, tôi đã sử dụng kỹ thuật bón phân theo phương pháp “4 đúng” (đúng liều lượng, đúng tỷ lệ, đúng giai đoạn, đúng kỹ thuật), nên đã tiết kiệm được chi phí đầu tư, chất lượng vườn cây, năng suất cũng được cải thiện”.

Gia đình ông Trần Văn Tuấn ở thôn 9 B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) áp dụng biện pháp chăm sóc, bón phân hợp lý nên đã tiết kiệm được chi phí đầu tư, giúp vườn cây phát triển tốt.

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp – PTNT của huyện đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty Cà phê 2-9… hướng dẫn nông dân biện pháp bón phân theo độ phì, tưới nước tiết kiệm, quản lý dịch hại IPM, thu hoạch, sơ chế cà phê bảo đảm chất lượng…

Bên cạnh đó, việc ghép cải tạo vườn cây cũng được huyện chú trọng. Trong 3 năm qua, toàn huyện đã ghép cải tạo được trên 164,3 ha vườn cây già cỗi, trồng bằng giống cũ năng suất thấp, kích cỡ hạt bé, bị rỉ sắt bằng các giống TR$, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9… Đồng thời, toàn huyện cũng đã tái canh được hơn 2.900 ha trong tổng số 7.640 ha cà phê cần tái canh đến năm 2020.

Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil thì trong những năm qua, địa phương cũng luôn chú trọng đẩy mạnh chương trình phát triển cà phê bền vững. Theo số liệu thống kê, hiện toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác và 522 hộ gia đình tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ… với diện tích trên 1.400 ha. Trong đó, Công ty Cà phê Đức Lập có 150 hộ tham gia, với diện tích hơn 320 ha; Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng, xã Thuận An, với 110 hộ, diện tích trên 230 ha; xã Đức Mạnh có 15 tổ hợp tác, với 160 hộ tham gia, diện tích trên 610 ha, xã Đắk Lao có 102 hộ, với điện tích 250 ha… Đây chính là nền tảng để huyện Đắk Mil từng bước nhân rộng các kết quả trong sản xuất cà phê theo hướng bền vững trên địa bàn toàn huyện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil nhận diện những thách thức để phát triển cà phê bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO