Đắk Mil lấy nông nghiệp làm nền móng cho phát triển

Văn Tâm| 27/07/2021 10:04

Thời gian qua, huyện Đắk Mil đã, đang xây dựng, thực hiện nhiều chính sách, chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp. Huyện định hướng lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khác.

ADQuảng cáo

So với các ngành nghề khác, sản xuất nông nghiệp của huyện Đắk Mil những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sầu riêng là cây ăn trái có thế mạnh của huyện Đắk Mil đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp nhãn hiệu tập thể

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 3,64%; giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha đất sản xuất là 68,2 triệu đồng/năm, tăng 1,85 lần so với năm 2011.

Nhiều năm qua, các loại cây cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, cây ăn trái là nhóm chủ lực, tạo thu nhập chính cho nhiều người dân. Nhóm cây trồng này là nguồn nguyên liệu chính tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị, chất lượng cao. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, ngành Nông nghiệp huyện đã, đang chuyển giao cho người dân nhiều giống cây con mới vào sản xuất đại trà, giúp đa dạng hóa nguồn hàng nông sản, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất.

Trên địa bàn huyện hiện có 1.410,9 ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade. Trong đó HTX Nông nghiệp Công Bằng xã Thuận An có hơn 290 ha; xã Đức Mạnh có 710 ha; xã Đắk Lao có 410 ha. Toàn bộ diện tích cà phê này đều được liên kết với Công ty Cà phê Đắk Man và Công ty Cà phê 2/9 để áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ và được bao tiêu sản phẩm.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, huyện Đắk Mil chú trọng phát triển mạnh diện tích cây ăn trái các loại. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là 2.773 ha, trong đó, xoài 918 ha, sầu riêng 803 ha và 1.052 ha cây ăn trái khác. Nhóm cây ăn trái trên địa bàn huyện đã cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là cây xoài, sầu riêng, bơ... Thời điểm trước dịch Covid-19, giá trị thu nhập từ các loại cây ăn trái đạt khoảng trên 250 triệu đồng/ha/năm.

Đối với ngành chăn nuôi của huyện có bước chuyển biến mạnh mẽ, chuyển từ hình thức nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, an toàn sinh học.

Toàn huyện hiện có 21 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô tương đối lớn, có liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Trong đó, 6 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp, với quy mô từ 600 - 2.400 con/cơ sở.

Huyện có 8 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm liên kết với doanh nghiệp, quy mô từ 20.000 - 40.000 con; 7 trang trại nuôi vịt, quy mô 2.000 - 2.500 con. Tỷ lệ bò lai của huyện đạt 70% tổng đàn vật nuôi toàn huyện… Toàn huyện có 17 HTX, 19 tổ hợp tác nông nghiệp, 181 trang trại tổng hợp, 129 trang trại trồng trọt, 52 trang trại chăn nuôi. Các trang trại đã đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật và giải quyết nhiều việc làm cho người dân khu vực nông thôn.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Đắk Mil đạt 59,6 triệu đồng/người/năm, tăng 1,97 lần so với năm 2011. Các tiêu chí về tỷ trọng lao động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thu nhập, lao động việc làm, tổ chức sản xuất... đạt khá cao.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, đến nay, khu vực nông thôn có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn từng bước được cải thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân trên địa bàn được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện được bảo đảm. Phần lớn những bước phát triển này đều được đặt nền móng từ ngành nông nghiệp của huyện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil lấy nông nghiệp làm nền móng cho phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO