Chủ động các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại sắn

Văn Tâm thực hiện| 14/09/2018 10:11

Thời gian qua, tình hình bệnh khảm lá vi rút hại sắn bùng phát trên diện rộng ở một số tỉnh, thành và có nguy cơ lây lan đến Đắk Nông. Để tìm hiểu rõ hơn về loại dịch bệnh này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thiện Chân, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt, Sở Nông nghiệp – PTNT.

ADQuảng cáo

PV: Thời gian qua, bệnh khảm lá vi rút trên cây sắn gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành, vậy ông cho biết cụ thể hơn về loại bệnh này. Triệu chứng bệnh trên lá, phiến lá khảm vàng loang lổ, khi nhiễm nặng lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Bệnh gây thiệt hại rất lớn, khi cây còn nhỏ nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch; cây lớn nhiễm bệnh thì dẫn đến năng suất, chất lượng đều giảm mạnh? 

Ông Nguyễn Thiện Chân: Bệnh khảm lá virus hại sắn (mì) hay còn gọi bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemissia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam. Đầu năm 2017, Bệnh khảm lá sắn đã gây hại nặng trên cây sắn tại Campuchia và Lào. Tháng 6/2017, bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở tỉnh Tây Ninh. Đến nay bệnh đã lan rộng, gây hại trên 90% diện tích trồng sắn ở Tây Ninh và đang lan ra các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Phước. Bệnh gây hại trên hầu hết các giống sắn nhưng hại nặng trên các giống sắn HLS 11, KM 419. Trong khi nhiều hộ dân sử dụng nguồn giống trong vùng dịch, giống nhiễm bệnh để trồng nên càng có nguy cơ lây lan nhanh ra diện rộng, gây hại nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Thiện Chân

PV: Được biết, trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá vi rút trên cây sắn, vậy ngành đã triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thiện Chân: Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn của bà con cũng như nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp -PTNT cũng đã ban hành văn bản gửi các huyện, thị xã và các cơ quan chuyên môn liên quan điều tra khảo sát cũng như tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn trên địa bàn. Tính tới ngày 20/6/2018, toàn tỉnh chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn trên diện tích canh tác hiện có. Tuy nhiên, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, các sở, ngành, địa phương chuyên môn đã và đang triển khai các giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn. Qua đó, tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp - PTNT rà soát, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ nếu phát hiện bệnh, tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm sắn nhập khẩu từ Campuchia.

Đối với UBND các huyện, thị xã, UBND tỉnh yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích trồng sắn để phát hiện, tiêu hủy kịp thời, ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống; tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống từ các địa phương đang có dịch về địa phương mình; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, người buôn bán giống sắn không sử dụng giống HL-S11 để làm giống, khuyến cáo người dân sử dụng thay thế bằng các giống ít nhiễm bệnh như: KM 94, KM140... Bên cạnh đó, bà con cần áp dụng quy trình trồng sắn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là thường xuyên thăm đồng để phát hiện kịp thời khi có bệnh xuất hiện để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

ADQuảng cáo

PV: Là địa phương có diện tích sắn tương đối lớn, lại tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và các tỉnh trong nước đang là vùng tâm điểm của bệnh, vậy ông cho biết nguy cơ cũng như biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất?

Ông Nguyễn Thiện Chân: Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có trên 14.000 ha sắn. Phần lớn diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đều trồng theo hướng quảng canh nên bệnh cũng khó phát triển so với các địa phương khác. Tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan, lơ là mà cần chủ động phòng ngừa loại bệnh được xem là nguy hiểm này.

Vì vậy, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguồn giống từ vùng trồng sắn nhiễm bệnh vào địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp – PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật đã có Công văn về việc tăng cường kiểm tra, phòng chống bệnh khảm lá sắn, trong đó yêu cầu Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Krông Nô rà soát, thống kê diện tích nhiễm bệnh, báo cáo về Chi cục trước ngày 15/9/2018 để tham mưu kịp thời cho Sở Nông nghiệp và PTNT khi có dịch xảy ra.

Một thực tế là do cơ cấu giống sắn trên địa bàn tỉnh còn ít, chủ yếu giống sắn KM98-7 (chiếm 73%), KM94 (27%) và một số giống sắn địa phương. Hầu hết các hộ còn trồng quảng canh, không bón phân hoặc bón phân chưa cân đối theo nhu cầu của cây sắn, nên tình hình bệnh khó phát triển và lây lan trên diện rộng. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng bệnh khảm lá vi rút trên cây sắn, nông dân nên sử dụng một số giống sắn do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã công bố. Đồng thời, tỉnh cũng cần nghiên cứu tuyển chọn giống sắn năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh trên một số vùng sinh thái của tỉnh Đắk Nông và một số biện pháp canh tác như: Phân bón, mật độ, trồng xen… một cách phù hợp.

Một lưu ý nữa là bà con nông dân và các địa phương cần mở rộng phạm vi ứng dụng quy trình canh tác sắn tổng hợp, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp, phân bón cân đối, trồng xen, rải vụ... Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và duy trì độ phì nhiêu đất một cách bền vững, người dân cũng cần chú trọng thâm canh cây sắn, lựa chọn cây trồng xen phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật.

Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại sắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO