Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh Đắk Nông: Nhiều giải pháp để quản lý, kiểm soát nợ quá hạn

Nguyễn Lương| 27/10/2016 10:27

Tính đến hết tháng 9, nợ quá hạn tại các phòng giao dịch là hơn 12,1 tỷ đồng, chiếm 0,63% tổng dư nợ, giảm 0,07% so với thời điểm đầu năm.

ADQuảng cáo

Với mục tiêu đến cuối năm 2016, nợ quá hạn đưa xuống mức 0,5% so với tổng dư nợ, những tháng cuối năm, Chi nhánh đã, đang tập trung vào công tác kiểm soát và thu nợ.

Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk R'lấp phối hợp với UBND xã Nhân Đạo rà soát, đối chiếu nợ tại cơ sở

Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) tỉnh, để hạn chế nợ quá hạn phát sinh, một trong những giải pháp được đơn vị đẩy mạnh trong thời gian qua là triển khai đối chiếu, phân tích nợ.

Theo đó, đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công lãnh đạo, cán bộ xuống các phòng giao dịch tham gia cùng đối chiếu để hướng dẫn, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó, có hướng xử lý kịp thời. Trong công tác đối chiếu nợ, đơn vị đã lồng ghép nội dung đối chiếu với công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, quyền và nghĩa vụ của người vay vốn, trả nợ, lãi…

Đến nay, Chi nhánh đã triển khai xong công tác đối chiếu và phân tích tại 71/71 xã, phường, thị trấn, với số hộ tham gia đối chiếu là gần 61.600 hộ. Thông qua công tác này, các phòng giao dịch đã từng bước quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát nguồn vốn tín dụng.

ADQuảng cáo

Là một trong những đơn vị nhận ủy thác có số nợ quá hạn tương đối cao so với tổng dư nợ, hiện tại, Tỉnh đoàn đang chú trọng vào thu nợ quá hạn. Cụ thể, tính đến hết tháng 9, số nợ quá hạn thuộc các cấp đoàn quản lý là gần 2,7 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng dư nợ.

Sở dĩ số nợ quá hạn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Tỉnh đoàn quản lý đang ở mức cao còn do sự phối hợp giữa đơn vị với chính quyền địa phương trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ chưa thực sự sâu sát. Ngay tại các xã, tổ tiết kiệm và vay vốn do cán bộ đoàn đứng ra làm công tác cho vay chưa tâm huyết nhiều. 

Anh Nguyễn Văn Hợi, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Đợt này, đơn vị đang phối hợp với các phòng giao dịch NHCSXH huyện tiến hành rà soát, kiểm tra số nợ quá hạn tại cơ sở. Thông qua công tác này, Tỉnh đoàn sẽ đôn đốc và thu hồi nợ, đồng thời, đưa công tác cho vay vốn vào tiêu chí đánh giá hoạt động đoàn cuối năm, nhằm nâng cao trách nhiệm đối với các tổ chức cơ sở đoàn.

Cũng với mục tiêu giảm nợ quá hạn xuống mức thấp nhất, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, hiện tại, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tích cực thu hồi nợ quá hạn.

Bà H’Jân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Riêng những hộ không may mắn trong quá trình sản xuất, Hội đã phối hợp với phía ngân hàng gia hạn nợ nhằm giúp họ có thời gian xoay xở và trả nợ hiệu quả hơn. Đặc biệt, thông qua các buổi giao dịch ở xã, thị trấn, các tổ tiết kiệm và vay vốn, các cấp hội tìm hiểu kỹ những khó khăn hiện tại mà các hộ dân đang gặp phải, từ đó, tìm ra hướng giải quyết kịp thời.

Bàn về giải pháp giảm nợ những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Bốn, nhấn mạnh: “Các đơn vị cơ sở trực tiếp xuống cơ sở tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị gặp phải, từ đó, biết rõ nguồn vốn người dân sử dụng mục đích gì, đầu tư vào dự án nào. Thông qua công tác này, ngân hàng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể sẽ có những định hướng tư vấn giúp bà con nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, từ đó, trả nợ đúng thời gian quy định. Đối với những hộ gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, các đơn vị cần xem xét giãn nợ, xóa nợ nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh Đắk Nông: Nhiều giải pháp để quản lý, kiểm soát nợ quá hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO