Chế biến nông sản - Nhiều tín hiệu tích cực

Thanh Hà| 11/08/2022 05:22

Sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, Đắk Nông đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sơ chế, chế biến sâu các loại nông sản. Tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục thu hút thêm nhiều “ông lớn” vào lĩnh vực này để phát triển nông nghiệp hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Hoạt động trong lĩnh vực chế biến mắc ca, lợi thế của Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty Thịnh Phát, trước đây, Công ty chủ yếu dùng phương pháp sấy khô cho hạt mắc ca. Phương pháp này có nhược điểm là không giữ được độ ngọt của hạt mắc ca.

Cách đây ít năm, Công ty được Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) hỗ trợ kinh phí để mua máy sấy lạnh mắc ca. Khi đổi sang công nghệ này, Công ty đã thay đổi hoàn toàn về việc chế biến mắc ca.

"Sau khi sấy lạnh, hạt mắc ca giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên hơn so với sấy khô. Chất lượng sản phẩm vì thế tốt hơn", bà Hương cho hay.

Chanh dây là một trong những mặt hàng được nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu tại Đắk Nông

Cũng đầu tư ở Gia Nghĩa, Công ty TNHH Thương mại XNK Nghiệp Xuân là 1 trong những doanh nghiệp lớn tham gia chế biến chanh dây xuất khẩu.

Với hệ thống máy móc, nhà xưởng hiện đại, công suất chế biến của Công ty đạt khoảng 15 tấn quả tươi/ngày. Công ty không chỉ giúp người trồng chanh dây tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản có quy mô tại Đắk Nông. Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp đang sơ chế, chế biến các loại nông sản như: cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca, chanh dây…

ADQuảng cáo

Các doanh nghiệp, HTX đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết với người sản xuất, giúp ổn định đầu ra và chủ động nguồn nguyên liệu chế biến. Việc hình thành các chuỗi liên kết đã giúp thị trường xuất khẩu nông sản của Đắk Nông được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhiều doanh nghiệp tại Đắk Nông đầu tư kho lạnh để bảo quản nông sản sau chế biến

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đắk Nông đã xuất khẩu đạt 570 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản ở Đắk Nông có quy mô nhỏ và vừa, chế biến ở dạng thô, sơ chế là chính. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng của Đắk Nông - 1 tỉnh rộng hơn 650.000 ha và hơn 37% tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế.

Để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành chương trình phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ ngành hàng nông sản đáp ứng chuỗi liên kết giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển mới từ 3-4 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản lớn theo hướng chuyên sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các nhà máy này sẽ hỗ trợ nâng cấp, ứng dụng công nghệ cho ít nhất 50% số cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản hiện có.

Hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Gia Nghĩa) ngày càng khang trang, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp đến đầu tư

Tỉnh đang triển khai các giải pháp đồng bộ để kêu gọi đầu tư. Ngoài thủ tục thông thoáng, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này được hỗ trợ về đất đai, thuế và các chính sách khác.

Đắk Nông đã rà soát các khu vực có lợi thế đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ khai thác. Tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án chậm trễ hoặc “treo” kéo dài, tạo cơ hội cho nhà đầu tư khác xứng đáng hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế biến nông sản - Nhiều tín hiệu tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO