Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học: Giải pháp phòng trừ dịch bệnh hiệu quả

Hồng Thoan| 13/08/2019 09:47

Trước tình hình dịch bệnh trên vật nuôi ngày một diễn biến phức tạp thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng.

ADQuảng cáo

Trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh, dễ nhận thấy hầu hết dịch bệnh đều phát sinh tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống. Mới đây tại các xã Nhân Cơ và Đắk  Wer (Đắk R’lấp) đã xảy ra DTLCP tại đàn lợn của 2 hộ dân, với 35 con mắc bệnh. Cơ quan chức năng xác định, đàn lợn của hai hộ dân mắc bệnh là do chủ hộ chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, chưa chú trọng các biện pháp phòng chống dịch cũng như an toàn sinh học (ATSH).

Trang trại của HTX Đồng Tiến (Đắk R'lấp) được đầu tư với quy mô lớn, xa khu vực dân cư. Ảnh: Thùy Dung

Chăn nuôi ATSH là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh.  Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay việc chăn nuôi lợn theo hướng ATSH chỉ được các trang trại, gia trại lớn áp dụng. Còn hộ gia đình hoặc đơn vị chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ chưa mấy quan tâm đến vấn đề ATSH cho vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đồng Tiến (Đắk R’lấp) cho biết, hiện nay HTX đang chăn nuôi hơn 5.000 con lợn theo quy trình chăn nuôi ATSH và lâu nay hầu như không xảy ra dịch bệnh. Cụ thể, lợn giống chỉ nhập ở vùng không có dịch, được kiểm nghiệm chất lượng, về trại có vùng nuôi nhốt riêng. HTX chỉ sử dụng xe chuyên dụng của mình vận chuyển lợn đi giao cho khách hàng.

Việc tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, dung dịch sát trùng được HTX thực hiện hàng ngày, đúng kỹ thuật. HTX đưa ra quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với khu chuồng trại. Những trường hợp công nhân kỹ thuật muốn vào chuồng trại phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ theo dõi, giám sát cả việc đi lại, ăn uống. Trước khi vào khu vực nuôi lợn, mọi người đều phải ở phòng cách ly diệt khuẩn để hạn chế thấp nhất việc mang mầm bệnh từ ngoài vào trong khu vực nuôi.

ADQuảng cáo

Vấn đề bảo đảm an toàn dịch bệnh luôn được HTX Đồng Tiến (Đắk R'lấp) coi trọng nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Thùy Dung

Tương tự, Công ty TNHH Greenfarm ASIA (Cư Jút) hiện có khoảng 40.000 con lợn. Đơn vị nghiêm túc triển khai nhiều giải pháp như hạn chế tối đa các trường hợp khách ra vào chuồng trại; nhân viên chỉ được vào chuồng trại khi đã ở phòng diệt khuẩn...Làm hàng rào lưới để chắn chim trong lối đi nội bộ, kiểm soát chuột, diệt côn trùng, kiểm soát rác thải. Nhờ đó, thời gian qua, việc chăn nuôi tại Công ty hầu như chưa xảy ra tình trạng dịch bệnh.

6 yêu cầu chính về chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Theo Bộ Nông nghiệp - PTNT, chăn nuôi lợn an toàn sinh học( ATSH) là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Cụ thể  đáp ứng 6 yêu cầu chủ yếu sau:

- Chuồng trại: Có vị trí xây dựng trang trại phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km.

- Con giống: Lợn giống mua về nuôi có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành. Lợn giống sản xuất tại cơ sở phải thực hiện công bố tiêu chuẩn. Yêu cầu về thức ăn, nước uống bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn.

- Chăm sóc, nuôi dưỡng: Các trại chăn nuôi áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với các loại lợn và giai đoạn sinh trưởng phát triển.  

- Vệ sinh thý y: Cơ sở chăn nuôi ATSH phải bố trí chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra, vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi. Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của trại.

- Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải gồm chất thải rắn, nước thải đúng quy định…

Hiệu quả tích cực từ chăn nuôi ATSH đã được khẳng định và minh chứng trong thực tiễn thời gian qua, tuy nhiên, việc triển khai mô hình này đang gặp không ít khó khăn. Lý do là chăn nuôi theo hướng ATSH yêu cầu người nuôi phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn kỹ thuật, từ khâu lựa chọn nguồn con giống, chăm sóc hằng ngày, đến tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh môi trường và cách ly chuồng trại hợp lý. Người chăn nuôi lợn cũng phải xây dựng lịch trình theo dõi việc tiêm vắc xin cho lợn một cách bài bản. Còn việc xử lý chuồng trại cũng phải được sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm...

Theo sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có tổng cộng khoảng 212.000 con lợn đang được người dân chăn nuôi theo nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có 196 trang trại, gia trại nuôi lợn quy mô lớn (từ 100 con trở lên) và 3.100 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nay, việc các trang trại, hộ chăn nuôi lợn áp dụng các quy trình về bảo đảm ATSH chưa nhiều. Ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng đã triển khai tuyên truyền, phổ biến về quy trình chăn nuôi ATSH, nhưng người dân vẫn chưa thực sự quan tâm áp dụng. Do đó, tình trạng chăn nuôi thiếu ATSH vẫn còn phổ biến và đi cùng với đó là nguy cơ lây nhiễm, bùng phát các loại dịch bệnh trên vật nuôi vẫn thường hiện hữu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học: Giải pháp phòng trừ dịch bệnh hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO