Cây dược liệu ở Đắk Nông: Những lợi thế chưa phát huy

Bài, anh: Văn Tâm| 12/06/2018 11:00

Đắk Nông là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu. Vậy nhưng hiện nay, việc phát triển diện tích vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa và sản xuất theo quy mô lớn.

ADQuảng cáo

Gia đình bà Lương Thị Niệm, ở thôn 3, xã Chư K’nia (Chư Jút) mở rộng diện tích cây đương quy trên đất trồng hoa màu

Những năm qua, một số doanh nghiệp, địa phương đã đưa vào trồng, kinh doanh cây dược liệu và đạt kết quả bước đầu. Trong số đó có dự án đầu tư trồng cây dược liệu và rừng sản xuất tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) của Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến Nông lâm sản - Dược liệu sạch Đắk Nông, trồng 10 loại cây dược liệu là: Đinh lăng, Kim ngân hoa, Khổ sâm, Hoài sơn, Thiên môn, Hoa hòe, Địa Hoàng, Hoắc Hương, Ngũ gia bì, Màng Tang. Công ty này cũng trồng thử nghiệm nghiên cứu 30 loại cây và thử nghiệm bảo tồn 8 loại cây thuốc đặc trưng vùng Tây Nguyên với tổng diện tích dự kiến khoảng 31 ha.

Hội Đông y tỉnh Đắk Nông cũng đã xây dựng đề tài nghiên cứu về cây Hà thủ ô đỏ. Tại một số địa phương, nông dân bước đầu phát triển thử nghiệm ở quy mô nhỏ dưới 1.000 m2 đối với một số cây dược liệu như: Tam thất nam, Bạch chỉ, Thiên môn đông (Đắk R'lấp); Kim ngân Hoa (Đắk Glong); Gấc, đương quy, Đinh lăng (Chư Jút, Đắk R'lấp); Kim tiền thảo (Tuy Đức, Đắk Glong)...

Từ kết quả đề tài khoa học “Sưu tầm các cây thuốc quý tại tỉnh Đắk Nông” của tác giả Bác sĩ Chuyên khoa I Trương Văn Minh và các cộng sự thuộc Hội Đông y tỉnh Đắk Nông thực hiện từ tháng 4/2010 đến tháng 12/2011 cho thấy, tỉnh Đắk Nông với trên 305 loài đã được phát hiện, trong đó có 208 loài cây thuốc đã được định danh.

Những dược liệu này có thể sử dụng để chữa các bệnh thông thường như cảm cúm, bệnh ngoài da, bệnh về xương khớp, về đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu,… cho đến những bệnh như cao huyết áp, gút, bệnh về thần kinh, bệnh sản khoa… Đối chiếu với 228 cây thuốc và vị thuốc thiết yếu từ thảo dược của Bộ Y tế ban hành, tỉnh Đắk Nông có 85 cây (chiếm 37%), trong đó có 11 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ như: Ba gạc lá lớn, cẩu tích, đảng sâm, ổ kiến, ổ kiến gai, cốt toái bổ, đỗ trọng tía, một lá, trầm hương, vàng đắng.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã đưa 130 loài cây thuốc từ rừng về trồng với số cây trồng thành công là 116 loài. Số cây này được chia trồng ở 2 địa điểm gồm tại phường Nghĩa Trung (thị xã Gia Nghĩa) với diện tích 150 m2 và một vườn tại thị trấn Ea T’ling (Cư Jút), với diện tích 350 m2.

Kết quả khảo sát chuyên cho thấy cây dược liệu ở Đắk Nông phân bố rải rác ở hầu hết các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Đắk Nông có 4 vùng sinh thái có tập trung cây dược liệu với trữ lượng lớn. Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có các loại cây thuốc quý hiếm như: Hà thủ ô đỏ, thiên niên kiện, ổ kiến, câu đằng, bình vôi, cẩu tích, nấm linh chi, nắp ấm, cốt toái bổ, ba gạc lá toa... Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung phổ biến các cây thuốc như: bồ cu vẽ, chè dây, sa nhân, hoài sơn, thổ phục linh, màng tang, thạch xương bồ, dầu nóng lá nhỏ, bạc thau, câu đằng, dây gắm,... Các cây thuốc quý hiếm bao gồm: Hoàng đằng, vàng đắng, ổ kiến, bình vôi, nấm linh chi, cốt toái bổ, nắp ấm, ba gạc lá to. Vùng rừng thuộc huyện Chư Jút có thể khai thác tốt các loại cây như kê huyết đằng, sơn thục gai, sâm cuốn chiếu, gối hạc, thảo quyết minh, sa nhân, hà thủ ô trắng. Một số loài cây quý cần được bảo vệ như hoàng cầm, sâm cau, một lá…

Là một tỉnh có tài nguyên rừng khá nhiều, độ che phủ chiếm gần 40% tổng diện tích đất, Đắk Nông có môi trường thuận lợi cho phát triển một số cây dược liệu yêu cầu sinh thái dưới tán rừng. Theo Hội Đông y tỉnh, khảo nghiệm bước đầu đối với một số cây trồng khi di thực từ rừng về trồng, chăm sóc trong điều kiện ở vườn nhà, rẫy cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt hơn khi trong rừng. Khả năng mở rộng về quy mô, sản xuất hàng hóa là rất lớn.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, việc khai thác, sử dụng tài nguyên rừng chưa hợp lý khiến nguồn cây thuốc bị mai một dần. Những năm qua, các cấp, ngành chuyên môn đã tiến hành điều tra, nghiên cứu về nguồn cây thuốc tự nhiên, phát triển thêm vùng nguyên liệu và liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống dược liệu để cung cấp giống bảo đảm tiêu chuẩn cho nông dân sản xuất.

Việc bảo vệ đi đôi với khai thác, chế biến, sử dụng cũng từng bước được các đơn vị chú trọng. Một số địa phương như: Chư Jút, Đắk Glong đã thu hút các doanh nghiệp Đông Nam dược trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, thu mua sản phẩm cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây dược liệu ở Đắk Nông: Những lợi thế chưa phát huy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO