Cần thêm “trợ lực” cho tiêu hữu cơ

Lê Phước| 16/06/2021 09:20

Nhiều hợp tác xã (HTX) tại huyện Đắk Song đã, đang sản xuất tiêu hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Thế nhưng, do nguồn lực hạn chế, nên nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng để tiếp cận những thị trường tiềm năng.

ADQuảng cáo

Sau hơn 3 năm hoạt động, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại hồ tiêu hữu cơ Nam Bình (HTX Nam Bình) đã có 120 thành viên. Trong 300 ha hồ tiêu đăng ký, HTX này có trên 90 ha hồ tiêu đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.

Quy trình chăm sóc tiêu hữu cơ nghiêm ngặt nhưng năng suất thường thấp hơn so với tiêu thông thường

Hiện sản phẩm tiêu hữu cơ của HTX Nam Bình được Công ty TNHH MTV Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) bao tiêu đầu ra. Do quy trình chăm sóc, chế biến bảo đảm, sản phẩm hồ tiêu của HTX được mua cao hơn mức giá thị trường khoảng 20.000 đồng/kg.

Dù sản xuất hữu cơ có lợi nhuận khá, nhưng HTX vẫn khó thu hút thành viên. Theo ông Lê Văn Bạo, Phó Giám đốc HTX Nam Bình, sản xuất tiêu hữu cơ tốt cho môi trường và tăng chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, quy trình chăm sóc tiêu hữu cơ khó hơn và chi phí phân bón, chế phẩm sinh học… cũng cao hơn so với tiêu thông thường. Nhiều hộ dân muốn sản xuất hồ tiêu nhưng do thiếu vốn, nên chưa tham gia vào HTX.

Cũng theo ông Bạo, quy mô của HTX còn nhỏ, số quỹ còn ít. Để phát triển mạnh, HTX cần đầu tư nhiều hạng mục như nhà kho, sân phơi… HTX rất mong được các đơn vị quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để phát triển.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (HTX Hoàng Nguyên), xã Thuận Hà, là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất hồ tiêu hữu cơ của huyện Đắk Song. HTX có trên 40 thành viên với hơn 100 ha hồ tiêu được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.

Nhiều HTX gặp khó vì thiếu vốn xây dựng sân phơi, nhà kho (Trong ảnh: Sân phơi của thành viên HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên)

ADQuảng cáo

Trong niên vụ vừa qua, HTX Hoàng Nguyên đã cung ứng 400 tấn hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu và khoảng 250 tấn hồ tiêu trong nước. Sản phẩm hồ tiêu HTX Hoàng Nguyên được thị trường ưa chuộng bởi khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nghiêm ngặt nên giá thường cao hơn thị trường từ 20 - 30%.

Năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho HTX Hoàng Nguyên đầu tư mua máy ép tinh dầu hồ tiêu, tạo điều kiện cho HTX đa dạng sản phẩm.

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, đối với sản xuất tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản phải chuẩn chỉ tuyệt đối.

Muốn làm được điều này, máy móc, thiết bị chế biến, hệ thống nhà kho, sân bãi… phải đồng bộ. Do đó, HTX cần thêm nhiều “trợ lực” để có thể theo đuổi ngành tiêu hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm để tiếp cận những thị trường tiềm năng.

Huyện Đắk Song đã có 6 HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của các HTX đã tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng. Hồ tiêu hữu cơ cũng mang lại giá trị cao hơn cho người sản xuất.

Thế nhưng nhìn chung, các HTX sản xuất tiêu hữu cơ tại Đắk Song có quy mô nhỏ, chi phí hoạt động hạn chế. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư sản xuất hồ tiêu hữu cơ khá cao. Giá cả hồ tiêu thời gian qua thường xuyên biến động đã gây khó khăn cho các HTX mở rộng quy mô.

Theo ông Nguyễn Văn Đô, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, khó khăn lớn nhất các HTX là về nguồn vốn và dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, việc hỗ trợ của các cơ quan cấp trên về vốn, về dây chuyền sản xuất còn hạn chế.

“Nếu dây chuyền sản xuất đạt chuẩn, tiêu hữu cơ của chúng ta sẽ xuất sang được các thị trường khó tính, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhưng trước mắt, Nhà nước cần sớm có thêm những giải pháp “trợ lực” để các HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ tồn tại, từng bước tìm được chỗ đứng ổn định trên thị trường", ông Đô chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thêm “trợ lực” cho tiêu hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO