“Cạn" nguồn kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Hồng Thoan| 24/10/2019 09:55

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là nhiệm vụ cấp bách. Thế nhưng, qua triển khai thì một số địa phương ở Đắk Nông lại đang kêu “cạn nguồn kinh phí” và chậm hỗ trợ cho hoạt động này.

ADQuảng cáo

Thiếu kinh phí hỗ trợ

Đắk R’lấp là một trong những địa phương bị thiệt hại lớn do bệnh DTLCP. Toàn huyện hiện có 917 con lợn với tổng trọng lượng hơn 80.970 kg bị tiêu hủy. Với số lượng lợn bị chết, tiêu hủy lớn nên địa phương đang thiếu kinh phí để hỗ trợ cho hộ dân bị thiệt hại cũng như hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Riêng ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đã có 774 con lợn của 12 hộ dân bị tiêu hủy do DTLCP. Ảnh: Nhiều chuồng trại của nông dân trong thôn giờ trống không

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết: Năm 2019 là năm địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh. Hiện nay, nguồn ngân sách dự phòng của huyện chỉ còn 680 triệu đồng. Huyện đề nghị tỉnh bố trí kinh phí hơn 10,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ có lợn bị chết và hỗ trợ lực lượng chuyên môn tại các chốt, trạm, xét nghiệm mẫu, trực tiếp đi tiêu hủy…

Huyện Đắk Song cũng là địa phương “kêu" thiếu kinh phí hỗ trợ cho người dân có lợn bị chết, tiêu hủy do DTLCP. Ngay hoạt động phòng, chống dịch này cũng đang gặp khó khăn về kinh phí. Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Song, đến nay địa phương đã có 13 hộ dân có lợn bị dịch. Với tổng trọng lượng đã tiêu hủy 10.995 kg thì địa phương phải hỗ trợ cho người dân 307 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay địa phương mới bố trí ngân sách hỗ trợ được cho 1 hộ với số tiền 11 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Được biết, trước tiên việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch; hỗ trợ cho hộ dân có lợn bị chết, buộc phải tiêu hủy do DTLCP được sử dụng từ nguồn ngân sách dự phòng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn ngân sách hạn hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khống chế dịch.

Theo Quyết định số 793, ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTLCP và Công văn số 3588, ngày 29/7/2019 của UBND tỉnh Đắk Nông về hỗ trợ kinh phí trong phòng chống bệnh DTLCP thì đối với lợn con, lợn thịt các loại, Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi; lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi… Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP.

Dịch bệnh còn nguy hiểm

Ông Hoàng Văn Bàn, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) là một hộ chịu thiệt hại lớn do DTLCP gây ra. Ông Bàn cho biết: “Dịch xuất hiện và cướp đi đàn lợn của gia đình nhanh quá. Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng, tôi đã phải báo chính quyền tiêu hủy lợn 5 lần, với 135 con lợn chết. Vợ chồng tôi trong phút chốc trắng tay. Dịch bệnh còn xuất hiện nên gây nhiều khó khăn cho việc tái đàn”.

DTLCP xuất hiện ở Đắk Nông từ tháng 5/2019. Đến ngày 20/10, dịch bệnh đã lây lan ra toàn tỉnh với 4.055 con lợn bị tiêu hủy, đạt tổng trọng lượng 276.215 kg. Ngoài mở rộng về địa bàn thì dịch bệnh còn tái phát tại các xã, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, trong điều kiện thời tiết có những thay đổi thất thường như hiện nay thì ngày càng tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh dễ dàng phát tán, lây lan sang các địa bàn xã, thôn chưa có dịch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cạn" nguồn kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO