Cần khắc phục những bất cập khi triển khai Dự án VnSAT

Hồng Thoan| 17/01/2017 14:04

Dự án VnSAT (Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) được triển khai từ năm 2015 - 2020, do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng vốn cả nước là 301 triệu USD.

ADQuảng cáo

Mục tiêu của dự án là góp phần triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Dự án được triển khai tại 13 tỉnh, trong đó có 8 tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long và 5 tỉnh thuộc Tây Nguyên. Qua một năm triển khai, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của dự án đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần được các đơn vị, địa phương liên quan cùng tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Việc tổ chức tập huấn của Dự án VnSAT còn bất cập về lịch thời gian cũng như nội dung triển khai. (Ảnh: Nông dân thôn Nghĩa Tín, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) chăm sóc cà phê). Ảnh: Mai Anh

Xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) là 1 trong số 11 xã trên địa bàn 4 huyện, thị xã trong toàn tỉnh thuộc vùng Dự án VnSAT. Theo đó, trong năm 2016, tại xã đã có hai đợt tập huấn được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp - PTNT) tổ chức nhưng đợt tập huấn lần 1 chỉ huy động được số ít hộ dân tham gia. Nguyên nhân là do thời điểm tổ chức tập huấn không phù hợp vào thời điểm bà con đang vào vụ chăm sóc cây trồng.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, đơn vị được dự án hợp đồng tập huấn cho rằng, dự án nên nghiên cứu, tìm hiểu xem quy định về việc điều tra, khảo sát nông hộ có sự điều chỉnh được hay không. Bởi nội dung phiếu điều tra quá dài dòng, phức tạp, có những nội dung khảo sát không thật sự cần thiết. Trong khi đó, trình độ của nông dân vẫn còn một số hạn chế nên khi điền vào phiếu rất khó khăn.

ADQuảng cáo

Ông Tuấn cho biết: “Nhiều buổi tập huấn tôi phải ở lại giúp nông dân điền phiếu bởi nó dài tới 7 trang giấy”. Cùng với đó, quá trình tổ chức tập huấn dự án cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề kinh phí cho đơn vị trực tiếp đứng ra tập huấn...

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho rằng: “Theo tôi, cùng với việc khắc phục sự thiếu hợp lý về thời gian thì Ban Giám đốc Dự án cần khảo sát, điều tra về nhu cầu của nhân dân, có sự tham khảo nội dung đã tập huấn để sát hơn, tránh sự trùng lắp kiến thức đã được ngành chức năng, dự án khác chuyển tải nhiều tới bà con trước đó. Tức là tập huấn cái gì bà con thiếu”.

Bà Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng bộ môn cây công nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) nêu ý kiến: “Theo tôi, nội dung tập huấn nên nhấn mạnh vào việc bón phân đúng cách, cân đối. Bởi qua các kết quả điều tra, khảo sát và phân tích chất đất thì thấy rằng, đất của tỉnh nói chung là chua, với độ PH khá lớn. Với tính chất đất như thế này mà nông dân trên địa bàn tỉnh lại đang lạm dụng phân bón hóa học thì không hề tốt một chút nào”.

Còn ông Phan Tư Lam, khuyến nông viên xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) thì cho rằng, mục tiêu của dự án là rất tốt. Nhưng theo ông để bảo đảm về sản xuất cà phê bền vững, dự án nên tính đến hoạt động cấp cho nông hộ sổ nhật ký vườn cây. Song song, cán bộ dự án hướng dẫn nhân dân việc ghi chép các thông tin liên quan đến sản xuất; trong đó, nhấn mạnh đến việc ghi lại mọi thông tin từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản, bán sản phẩm. Điều này không chỉ có lợi cho nông dân mà còn giúp dự án có cái nhìn tổng quan, khoa học hơn về hiệu quả của các hoạt động đầu tư, nhất là việc nông dân hạch toán được rõ ràng giá trị kinh tế cuối vụ, sự chênh lệnh so với cách thức sản xuất cũ.

Theo các hợp phần của dự án thì sẽ có hoạt động về xây dựng các điểm, mô hình trình diễn nhưng trong năm 2016, hoạt động này chưa được triển khai. Theo kế hoạch năm 2017 sẽ hỗ trợ xây dựng 17 mô hình trình diễn về sản xuất cà phê bền vững và 9 mô hình trình diễn về tái canh cà phê bền vững.

Về vấn đề này, ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho rằng: “Điểm, mô hình trình diễn có tác dụng rất lớn đối với thay đổi quan điểm, nhận thức của nông dân. Tuy nhiên, dự án nên chú ý đến việc xây dựng mô hình một cách hiệu quả, thiết thực, đầu tư lớn chứ không làm theo kiểu dàn trải”...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần khắc phục những bất cập khi triển khai Dự án VnSAT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO