Cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại hồ tiêu xuất khẩu

Bình Minh| 08/05/2019 08:35

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu đạt 103 ngàn tấn, trị giá 270 triệu USD, tăng 18,6% về lượng, nhưng giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

ADQuảng cáo

Về mặt giá cả, đáng chú ý là 4 tháng qua, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.619 USD/tấn, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019, gồm: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất...

Khâu chế biến rất cần được chú trọng để nâng cao các sản phẩm hạt tiêu xuất khẩu. Ảnh tư liệu

Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn chịu áp lực giảm giá do cung vượt cầu. Dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu chưa thể phục hồi trở lại, song tốc độ giảm sẽ chậm lại. Tại Việt Nam, nước sản xuất hạt tiêu hàng đầu thế giới, nhiều hộ gia đình đã và đang có sự chuyển đổi cây hồ tiêu sang loại cây khác.

ADQuảng cáo

Trước tình trạng giá tiêu trên thị trường xuống thấp, một số chuyên gia ngành tiêu cho rằng, chúng ta làm chiến lược đối với ngành hồ tiêu, nếu chỉ quá quan tâm đến giá lên xuống hàng ngày là chưa có cách nhìn toàn diện. Giá hạt tiêu toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi trở lại do điều kiện khí hậu bất lợi và lũ lụt ở bang Kerala và Karnataka của Ấn Độ.  Tuy nhiên, do nguồn cung hạt tiêu từ Việt Nam đang khá dồi dào nên sẽ hạn chế đà tăng giá của mặt hàng này.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng hạt tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá hạt tiêu trong nước. Bên cạnh đó, các nước trồng hạt tiêu khác như Brazil, Campuchia cũng tăng diện tích. Tồn kho năm này qua năm khác dồn ứ khiến nguồn cung dư thừa so với nhu cầu.

Theo dõi số liệu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc có thể thấy, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu của Trung Quốc ngày càng tăng. So với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Brazil thì mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khá lớn bởi giá thành sản phẩm thấp hơn và lợi thế về vị trí địa lý. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu ở mức thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành.

Theo các phân tích của chuyên gia, hiện nay thị trường thế giới đang ưa chuộng chủng loại hạt tiêu trắng thì tỷ trọng hạt tiêu trắng của nước ta chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu trong khi hạt tiêu đen chiếm tới 90% tỷ trọng. Trong khi đó, tỷ trọng hạt tiêu trắng của Indonesia chiếm tới 80% lượng xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến tiêu của Indonesia hiện nay rất phát triển với các sản phẩm hạt tiêu cao cấp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, ngành hạt tiêu Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến khâu chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại xuất khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại hồ tiêu xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO