Các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong những lúc khó khăn

Nguyễn Lương| 08/04/2020 07:16

Giá cả các mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh dài, rồi Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Thời điểm này, các ngân hàng sẵn sàng có các "động thái" để giúp doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo

Muôn kiểu … “khó”

Trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, phân bón, Công ty Phân bón Nam Thuận, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) là một trong những đơn vị có tiềm lực nằm trong tốp đầu. Vậy nhưng, hai năm trở lại đây, doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”. Nguyên nhân là do giá cả mặt hàng nông sản giảm mạnh, đầu tư không có lời. Lượng phân bón bỏ vào đại lý, nông dân… không thu hồi được công nợ.

Kinh doanh gặp khó, kho trữ phân bón của Công ty Phân bón Nam Thuận, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) được "thiết kế" lại để nuôi chim yến

“Những năm trước, thời điểm đầu mùa mưa, điện thoại của tôi không ngớt các cuộc gọi từ các đại lý, nông dân bỏ phân bón. Ấy vậy mà, từ sáng giờ không có cuộc gọi nào. Giám đốc doanh nghiệp như tôi mà mùa này phải vào rẫy làm là biết rồi”, anh Phạm Nguyễn Bích Huy, Giám đốc Công ty Phân bón Nam Thuận phân trần.

Cũng theo anh Huy, bình quân mỗi năm, công ty xuất bán ra hàng trăm tấn phân bón. Nhưng hai năm nay, doanh số giảm hẳn (phải trên 60%). Từ một công ty có gần 100 đại lý, đến nay chỉ còn tầm 20 đến 30 đại lý. Các đại lý trực thuộc cũng làm ăn lao đao. Nơi không thu hồi được nợ, nơi thì phá sản. Hiện nay, đơn vị đang “dính” gần 4 tỷ đồng vì đại lý vỡ nợ nên không thu được vốn. Anh Huy chia sẻ: “Mong muốn hiện nay của doanh nghiệp là phía các ngân hàng tiếp tục đồng hành, xem xét giảm lãi suất cho vay. Tình hình hoạt động sản xuất ảm đạm thế này, nếu được giảm lãi suất sẽ giảm áp lực rất lớn cho doanh nghiệp”.

Không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, nhưng giá cả nông sản sụt giảm, khiến đầu ra của nhiều doanh nghiệp gặp khó. Trường hợp của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật (Đắk Song) là một ví dụ. Bắt đầu đi vào hoạt động năm 2018. Đây là thời điểm kinh tế của người dân gặp khó khăn do một số cây trồng chủ lực bị  chết hàng loạt, giá cả nông sản sụt giảm sâu. Mọi hoạt động ở lĩnh vực kinh tế có phần chững lại, trong đó, có lĩnh vực xây dựng cơ bản.

“Sản xuất vật liệu xây dựng mà nhu cầu xây dựng nhà, các công trình khác giảm thì doanh nghiệp cũng khó về đầu ra. Như đơn vị chúng tôi, nếu một năm làm ăn thuận lợi sẽ xuất ra thị trường hơn 400.000 viên gạch, doanh thu trên 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ hai năm nay, hàng tồn kho tại đơn vị rất lớn. Trong khi việc tìm thêm thị trường ngày càng khó khăn. Do vậy, tình hình kinh doanh khá ảm đạm. Hiện tại, đơn vị chỉ mong về phía các ngân hàng có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để duy trì sản xuất”, anh Võ Đình Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật (Đắk Song) cho biết.

ADQuảng cáo

Tại Đắk Nông, hiện có 4.620 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Trong đó, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 86,64%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 12,68%; còn lại là doanh nghiệp vừa. Các đơn vị không chỉ thiếu vốn đầu tư, mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất, kinh nghiệm quản trị và công nghệ sản xuất hiện đại. Đến hết tháng 2/2020, toàn tỉnh mới chỉ có 579 doanh nghiệp (chiếm 12,5%) được vay vốn từ các ngân hàng thương mại, với tổng dư nợ hơn 3.300 tỷ đồng.

Nhiều ngân hành cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất để có thể tiếp cận nguồn vốn vay là tài sản thế chấp. Những trường hợp không đáp ứng yêu cầu này thì cơ hội được vay vốn rất hạn chế.

Anh Võ Đình Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật (Đắk Song) chia sẻ: “Tài sản thế chấp nhỏ, số vốn ngân hàng cho vay cũng không nhiều. Một số trường hợp, kỳ hạn vay ngắn nên doanh nghiệp không đủ thời gian quay vòng vốn”. Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Xinh, Giám đốc Doanh nghiệp Ngọc Hưng (Đắk R’lấp) cho rằng: “Nút thắt” của vấn đề này một phần là do tâm lý của doanh nghiệp. Các đơn vị cho rằng, vay vốn từ ngân hàng không dễ. Điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn vay của các doanh nghiệp luôn không đủ. Nên chăng, các ngân hàng thiết kế các gói vay tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật mong muốn các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn với kỳ hạn dài để doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Hiện nay, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng dao động từ 7%-8,5%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức phổ biến từ 9%-12%/năm. Đây là mức lãi suất giảm khá nhiều so với những năm trước. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn triển khai nhiều gói tín dụng, với lãi suất ưu đãi đối với nhiều lĩnh vực và đối tượng ưu tiên. Hằng năm, hệ thống ngân hàng cũng đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại giữa ngân hàng, doanh nghiệp. Qua đây, các ngân hàng đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, nhất là đối với khách hàng doanh nghiệp để giải ngân nguồn vốn cho vay. “Phải nhìn nhận một điều rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh phải tập trung vào mục tiêu tạo ra lợi nhuận. Đối với những khách hàng tiềm năng, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt. Riêng những khách hàng trong quá trình vay vốn gặp khó khăn, rủi ro, nhiều ngân hàng có “động thái” cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Mặc dù con số hỗ trợ chưa nhiều, nhưng phần nào cho thấy sự đồng hành của ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn”.

Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp lâu nay vẫn được ví như một “vòng tròn luẩn quẩn”. Để giải quyết được vấn đề này nên chăng cần có sự nỗ lực từ cả hai phía. Các ngân hàng thương mại cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp có tiềm năng, ngân hàng nên thiết kế lại điều kiện cho vay, nhằm chia sẻ với doanh nghiệp. Riêng về phía doanh nghiệp cần chủ động hơn trong nâng cao trình độ, năng lực.Việc tăng cường liên kết, năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh để vượt qua những “rào cản” hiện hữu trước mắt cũng như lâu dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong những lúc khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO