Bất cập trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh (kỳ 2): Một số giải pháp quản lý hiệu quả

Nguyễn Lương| 30/08/2019 10:10

Làm sao để vừa tăng mức đóng góp của các hộ kinh doanh cá thể, vừa tạo sự công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế là nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan thuế và các đơn vị liên quan.

ADQuảng cáo

Cán bộ thuế Đắk R'lấp vận động hộ kinh doanh trên địa bàn chuyển đổi lên doanh nghiệp

Rà soát, thống kê lại

Tình trạng thất thu thuế trong hộ kinh doanh diễn ra từ nhiều năm nay. Chi cục Thuế huyện Tuy Đức mà một trong những đơn vị đang gặp khó trong việc quản lý, lập bộ thuế đối với hộ kinh doanh cá thể hiện nay. Ông Nguyễn Hải Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tuy Đức, cho biết: Đơn vị đang phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tuy Đức để rà soát, đối chiếu, thống nhất số hộ kinh doanh thực tế trên địa bàn. Trên cơ sở này, đối với những hộ kinh doanh không hoạt động, đơn vị sẽ kiến nghị tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng mã số thuế để quản lý thuế chặt chẽ và chính xác hơn.

Tại huyện Đắk Mil, để tránh thất thu thuế trong lĩnh vực này, Chi cục Thuế huyện Đắk Mil đã điều chỉnh thuế đối với những hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có doanh thu vượt mức khoán liên tục. Trong đó, cơ quan thuế chú trọng khâu kiểm tra, khảo sát địa bàn, thống kê và đưa vào diện quản lý kịp thời những hộ kinh doanh phát sinh.

Các đội thuế sẽ rà soát những hộ đăng ký biến động về đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và những hộ bị thu hồi đất để truy thu và xử lý vi phạm về thuế. Đơn vị sẽ tăng cường quản lý, khai thác triệt để nguồn thu không thường xuyên ở các lĩnh vực như: Kinh doanh lưu động, xây dựng cơ bản vãng lai, xây dựng tư nhân…, nhằm hạn chế tình trạng các hộ kinh doanh “ảo”.

ADQuảng cáo

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Thuế tỉnh cho hay, thời gian qua, ngành Thuế đã chỉ đạo quyết liệt các chi cục thuế phối hợp với phòng tài chính - kế hoạch các huyện, thị xã để kiểm tra, đối chiếu, rà soát cụ thể từng địa bàn. Qua đó, cơ quan thuế thống nhất tờ khai, lập bộ thuế để tiến hành thu thuế. Về mức thuế khoán, hiện nay, theo đúng quy trình, cơ quan thuế dựa trên điều tra doanh thu, hợp đồng giá và giá niêm yết… để điều chỉnh mức thuế phù hợp, bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp

Một trong những giải pháp khả quan được cơ quan thuế xác định sẽ hạn chế tình trạng thất thu trong lĩnh vực này là vận động hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ông Thái Hữu Nghị, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Đắk Mil nhận định: Đặc điểm chung của hộ kinh doanh là trình độ kinh doanh và việc tuân thủ pháp luật về thuế chưa cao. Bởi hầu hết các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, phát triển kinh tế gia đình. Các hộ gia đình kinh doanh theo kinh nghiệm, không thực hiện chế độ sổ sách kế toán, dẫn đến không thực hiện kê khai và nộp thuế theo thu nhập. Còn khi các hộ chuyển đổi lên doanh nghiệp, tất cả các khâu trên sẽ được khắc phục. Chưa kể, nếu lên doanh nghiệp, công tác thanh, kiểm tra mà cơ quan thuế triển khai hàng năm sẽ hạn chế được tình trạng thất thu thuế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng trong số gần 10.000 hộ cá thể đang chịu thuế, có khoảng trên 30% hộ kinh doanh có thể phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Do vậy, cần phải khuyến khích, tạo động lực cho các hộ kinh doanh này chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Cũng theo ông Thiện, thời gian qua, qua thực tế vận động tại cơ sở, hộ kinh doanh còn tâm lý e ngại khi chuyển lên doanh nghiệp. Họ cho rằng, với mô hình doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các vấn đề phức tạp như: mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn… Khi chuyển đổi lên doanh nghiệp, còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như: Bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy. Những thủ tục này làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Chuyển đổi lên doanh nghiệp là phải bảo đảm việc hoạt động một cách hiệu quả. Ngoài sự nỗ lực của ngành Thuế, các đơn vị chức năng cần cải thiện môi trường kinh doanh và có những nỗ lực thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển. Làm thế nào để họ thấy những cần thiết và chủ động chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Có như vậy, tình trạng chống thất thu thuế trong hộ kinh doanh mới từng bước được kiềm chế”, ông Thiện khẳng định thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh (kỳ 2): Một số giải pháp quản lý hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO