Bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng bền vững

Mỹ Hằng| 31/01/2018 09:48

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 khu rừng đặc dụng là Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Nung, Khu BTTN Tà Đùng và Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, các khu rừng còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn. Vì vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học được xem là một nhiệm vụ cấp thiết.

ADQuảng cáo

Thực trạng và thách thức

Khu BTTN Nam Nung có tổng diện tích tự nhiên là 21.865,87ha, phân bố trên 29 tiểu khu thuộc địa giới hành chính của 3 huyện: Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô. Hiện tại, nơi đây có 881 loài thực vật thuộc 541 chi của 175 họ đã được ghi nhận; trong đó có nhiều loài thực vật đặc hữu, quý hiếm như cẩm lai nghệ, trầm hương, kim giao… Về động vật có 297 loài động vật có xương sống thuộc 29 bộ và 93 họ. Đặc biệt, có 78 loài động vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như gấu chó, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, trăn gấm, rùa núi vàng…

Khu BTTN Tà Đùng có tổng diện tích là 20.338,8 ha phân bố trên 23 tiểu khu thuộc xã Đắk Som (Đắk Glong); trong đó, đất có rừng là 16.209,7 ha và đất chưa có rừng là 4.129,1 ha. Hiện tại, nơi đây có 965 loài thực vật; trong đó có 34 loài quan trọng. Động vật có 43 loài quan trọng; trong đó có 7 loài nguy cấp, 17 loài sẽ nguy cấp trong danh mục các loài bị đe dọa toàn cầu, 4 loài cực kỳ nguy cấp và 19 loài sẽ nguy cấp trong sách đỏ của Việt Nam.

Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng tuần tra, bảo vệ rừng

Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có tổng diện tích đang quản lý là 1.405,68 ha thuộc địa giới hành chính của xã Đắk Sôr (Krông Nô). Qua kết quả điều tra, bước đầu đã xác định và ghi nhận nơi đây có 1.047 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 571 chi và 141 họ của 4 ngành thực vật khác nhau gồm ngành thông đất, dương xỉ, thông và mộc lan. Về động vật, có 289 loài động vật có xương sống; trong đó 54 loài thú, 187 loài chim, 32 loài bò sát và 16 loài ếch nhái thuộc 85 họ, 25 bộ.

Những năm gần đây, dân số trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, cùng với quá trình di cư tự do đã dẫn tới tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy; chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thủy lợi, thủy điện, đã phá vỡ hệ sinh thái và sinh cảnh tự nhiên… làm cho đa dạng sinh học bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán động vật hoang dã, buôn lậu gỗ diễn ra tại nhiều nơi khiến cho một số loài thực vật, động vật quý, hiếm như pơ mu, thông tre, sao mặt quỷ, trầm hương, gấu, linh trưởng, cu li nhỏ… đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

ADQuảng cáo

Mặt khác người dân sống tại vùng đệm khu bảo tồn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo, chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng. Trình độ và nhận thức còn hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn…

Triển khai nhiều biện pháp cần thiết

Trước thực trạng trên, thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã triển khai nhiều biện pháp cần thiết để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học. Điển hình, các đơn vị đã triển khai các dự án: “Nhiệm vụ điều tra đánh giá đa dạng sinh học tại Khu BTTN Tà Đùng”, “Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và bảo tồn loài ở tỉnh Đắk Nông, trọng tâm vào loài Vượn đen má vàng và loài bò tót” và đề tài “Điều tra đa dạng sinh học hệ thực vật bậc cao và xây dựng vườn thực vật tại khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, xã Đắk Sôr (Krông Nô)”.

Cùng với đó, việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học được tiến hành dưới nhiều hình thức như giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, nên nhiều diện tích rừng đã được gìn giữ, bảo tồn. Chỉ tính riêng năm 2017, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã thu được hơn 59,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng và đã chi gần 52,3 tỷ đồng cho các đơn vị chủ rừng tham gia dịch vụ môi trường rừng.

Đồng bào Mạ ở xã Đắk Som (Đắk Glong) chăm sóc, bảo vệ rừng được giao khoán

Đặc biệt, để bảo tồn theo hướng bền vững, hiện tại, Sở Nông nghiệp-PTNT đang lập “Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030” trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Kết quả phê duyệt là cơ sở để tiếp tục lập quy hoạch rừng đặc dụng tỉnh Đắk Nông. Khu BTTN Tà Đùng đã hoàn thiện dự án chuyển hạng thành Vườn quốc gia, trình Bộ Nông nghiệp-PTNT và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Khu BTTN Nâm Nung đang xây dựng đề cương dự toán điều chỉnh bổ sung quy hoạch và phát triển bền vững trình UBND tỉnh phê duyệt. Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đang được lập Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững và đề án cho thuê môi trường rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO