Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước: Còn nhiều thách thức, vướng mắc

Tường Mạnh| 23/06/2016 09:52

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay chỉ mới xuất hiện một số mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê tại vài địa phương.

ADQuảng cáo

Cụ thể, thị xã Gia Nghĩa có 2 mô hình với 4 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel; huyện Đắk R’lấp có 2 mô hình với 1 ha và huyện Đắk Mil có 2 mô hình với 2 ha với công nghệ chủ yếu do người dân tự nghiên cứu, triển khai. Các mô hình tưới tiết kiệm trên cây cà phê đều do người dân chủ động đầu tư kinh phí và thực hiện, chứ chưa có sự hỗ trợ, tác động nào của cơ quan chuyên môn.

Nông dân xã Đắk Hòa (Đắk Song) sử dụng béc tiết kiệm nước tưới khoai lang. Ảnh: Hồ Mai

Không riêng gì Đắk Nông, theo khảo sát của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp-PTNT) thì hiện nay, hầu hết nông dân vùng Tây Nguyên vẫn sử dụng phương pháp tưới dí để tưới cho cây cà phê.

Phương pháp này đơn giản, đầu tư ban đầu không đáng kể, không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ sử dụng, quen thuộc với đa số nông dân, nhưng lại rất hao nước, tốn nhiều điện, dầu và nhân công, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Vì vậy, toàn bộ khu vực Tây Nguyên chỉ có khoảng 10% nông dân áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm khác nhau và hiện chỉ có khoảng dưới 1% trong tổng số 1.900 hộ nông dân được khảo sát áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Trong khi đó, nhiều công nghệ tưới tiết kiệm dù đã được kiểm nghiệm, nhưng lại không thể triển khai được trên diện rộng do còn gặp nhiều khó khăn khác nhau về trình độ kỹ thuật, vốn đầu tư và hạ tầng nông thôn. Đa phần các công ty cà phê được khảo sát đều cho biết, sở dĩ mô hình tưới nước nhỏ giọt chưa được nhân rộng là do vốn đầu tư ban đầu khá lớn, chỉ riêng tiền mua thiết bị đã khoảng 50-55 triệu đồng/ha.

ADQuảng cáo

Một thực tế nữa là hơn 90% vườn cà phê thường nằm cách xa nhà dân nên người dân khó quản lý, giám sát hệ thống thiết bị được lắp đặt cố định ngoài vườn. Mặt khác, đa phần nông dân vẫn chưa biết đến công nghệ tưới nước nhỏ giọt, công nghệ tưới phun mưa cục bộ hoặc các giải pháp trữ nước trong mùa mưa.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp-PTNT thì hiện tại các chính sách hỗ trợ áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn nói chung và cây cà phê nói riêng hầu như chưa đi vào cuộc sống. Đơn cử, hiện tại, Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ đã có quy định hỗ trợ lãi suất cho người dân mua sắm, lắp đặt trang thiết bị phục vụ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, nhưng đa phần nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Cụ thể, theo Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp thì ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ lãi suất để mua hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa có kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng nên chưa có sự tập trung chỉ đạo để thúc đẩy việc áp dụng. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân, nhất là của lãnh đạo một số sở ngành chức năng về áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, làm cho công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi còn nhiều hạn chế. Nói một cách khác, việc triển khai áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn Tây Nguyên còn gặp nhiều thách thức, vướng mắc.

Bộ Nông nghiệp-PTNT đã có Quyết định số 1788 ngày 19/5/2015 về Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kế hoạch là cơ sở để triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ nhằm thúc đẩy áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; trong đó, có cây cà phê khu vực Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước: Còn nhiều thách thức, vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO