Xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ trong phong trào sáng tạo, khởi nghiệp

Thanh Nga| 30/08/2019 11:24

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” do UBND tỉnh phê duyệt, hiện nay, phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngày càng phát triển. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp được các chị lựa chọn xuất phát từ lợi thế của gia đình và địa phương.

ADQuảng cáo

Các sản phẩm khởi nghiệp đa dạng của phụ nữ tỉnh Đắk Nông

Khai thác các lợi thế

Với ý tưởng khởi nghiệp mang tên “Vườn hoa Thủy Thúy Đắk Nông”, chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã vượt qua hàng trăm ý tưởng để trở thành 1 trong số 10 ý tưởng lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019. Chị Thúy chia sẻ, lý do khởi nghiệp là do nhận thấy Đắk Nông là một thị trường tiềm năng về trồng hoa và kinh doanh hoa. Qua khảo sát cho thấy, số lượng người trồng hoa và quy mô còn ít, nhỏ, trong khi nhu cầu sử dụng cao. Khí hậu tương tự với Lâm Đồng, làm cho màu sắc bông hoa đẹp và sáng.

Chị Thúy cho biết: “Sau 4 năm có kinh nghiệm trồng hoa tại Lâm Đồng, tôi mạnh dạn đầu tư trồng hoa cúc vì tiêu thụ dễ dàng và hiện nay cung cấp cho các điểm kinh doanh trên địa bàn thị xã, các huyện lân cận. Gia đình đã đầu tư làm 700m2 nhà lồng để trồng hoa cúc, mỗi năm trừ chi phí thu về cả tỷ đồng. Tôi rất muốn liên kết với các hộ dân thành lập tổ hợp tác khai thác lợi thế của địa phương để cùng làm giàu cho gia đình và xã hội”.

Chị Nguyễn Thị Tuyền ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) lại chọn cho mình ý tưởng khởi nghiệp từ nuôi heo rừng lai, gà nòi thả vườn. Qua tìm hiểu thị trường và nhận thấy nhu cầu của người dân về sử dụng thịt an toàn ngày càng nhiều, chị đã quyết định đầu tư nuôi heo rừng lai, gà nòi thả vườn.

Chị Tuyền chia sẻ: “Gia đình có vườn rẫy rộng rãi và đây là lợi thế thuận lợi cho việc nuôi heo rừng lai, gà chọi, gắn với mục tiêu hướng tới nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân. Heo rừng lai và gà chọi ít bệnh, sống tốt trong tự nhiên nên giảm thiểu rủi ro. Gia đình tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi để bón cho cà phê và trồng ngô, cỏ phục vụ nuôi gà, heo để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, giá bán heo, gà bằng và thấp hơn thị trường”.

Mặc dù mới khởi nghiệp được 1 năm nhưng gia đình chị Tuyền đã đầu tư xây dựng 2.000 m2 chuồng trại để chăn nuôi heo, gà. Nhằm giảm công lao động, gia đình đầu tư máy xay cỏ, xay ngô và xây bể chứa phân, hầm biogas để tránh gây ô nhiễm môi trường.

ADQuảng cáo

Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Gia Nghĩa giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp lợi thế của địa phương tại cuộc thi “Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019

Linh động trong ý tưởng

Nắm bắt nhu cầu về vui chơi giải trí của trẻ em ở địa phương tăng, trong khi trên địa bàn chưa có điểm vui chơi, chị Hồ Thị Kim Loan ở thôn Quảng Hòa, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) đã đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng khu vui chơi Happy. Hiện tại, khu vui chơi giải trí có các trò chơi hiện đại như tàu lượn, tàu hỏa, máy bay, nhà hơi, nhà banh, câu cá, đua ngựa. Ngoài ra, còn có một số trò chơi như tranh cát, tô tượng, bi lắc…, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não.

Chia sẻ về bí quyết thành công, chị Loan cho biết: “Điều cần thiết nhất trong kinh doanh đó là thái độ phục vụ khách hàng chu đáo, vui vẻ, hòa nhã. Khu vui chơi tạo việc làm cho 3 lao động của gia đình vào thời gian buổi tối. Các vật dụng và trò chơi, khuôn viên luôn sạch sẽ, gọn gàng, giá vé chỉ 10.000 đồng. Ngoài ra, chúng tôi có các dịch vụ đi kèm như bán thêm thức uống và đồ ăn vặt. Các trò chơi phù hợp, được trẻ em ưa chuộng nên các vị “khách nhí” đến ngày một đông”.

Chị Loan dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô, đa dạng các trò chơi để đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em. Ý tưởng khởi nghiệp của chị Loan được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đánh giá có tính khả thi cao, góp phần giúp trẻ em có điểm vui chơi, giải trí lành mạnh.  

Theo bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” được các cấp hội phụ nữ triển khai sâu rộng và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Các cấp hội đã xây dựng được những mô hình khởi nghiệp khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương và gia đình như mô hình tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, liên kết trồng rau sạch, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ… Từ những mô hình đã xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ tiêu biểu trong phong trào sáng tạo, khởi nghiệp. Nhiều phụ nữ đã tự tin, vươn lên làm chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, qua đó đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho chị em, góp phần giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Có thể nói, hoạt động khởi nghiệp đã tạo ra bước chuyển biến mới về chất trong phong trào hoạt động hội, góp phần phát triển kinh tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, phát triển đội ngũ doanh nhân nữ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ trong phong trào sáng tạo, khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO