“Vườn ươm” ý tưởng

Bài, ảnh: Vũ Trang| 20/12/2018 09:20

Nhằm tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, hàng năm, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Các sáng chế, thành quả thu được sau cuộc thi không chỉ góp phần khuyến khích học sinh tiếp tục đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật mà còn là tiền đề cho những ý tưởng khởi nghiệp đa dạng, sáng tạo trong tương lai.

ADQuảng cáo

Học được kỹ năng, tinh thần dám nghĩ, dám làm

Sinh ra và lớn lên tại xã biên giới Đắk Wil (Cư Jút), các em Lê Thị Tố Như và Phạm Thị Yến Nhi, học sinh Trường THCS Cao Bá Quát nhận thấy cây khổ qua rừng mọc rất nhiều ở địa phương. Một số người già mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường… cũng thường xuyên hái về nấu nước để uống. Thấy vậy, Như và Nhi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về giá trị của loài cây này, từ đó làm ra sản phẩm “Trà dược liệu khổ qua rừng”.

Đề tài “Trà dược liệu khổ qua rừng”  của các em Lê Thị Tố Như và Phạm Thị Yến Nhi, học sinh Trường THCS Cao Bá Quát (Cư Jút) đạt giải khuyến khích Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019

Như cho biết: “Qua tìm hiểu em được biết, cây khổ qua rừng có rất nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe và cũng là xu hướng lựa chọn, sử dụng thực phẩm của hầu hết người tiêu dùng hiện nay. Vì vậy, chúng em quyết định tìm hiểu và chế biến loại cây này thành trà để dễ sử dụng và bảo quản”.

Theo Như thì ban đầu, em được gia đình hỗ trợ tiền vốn để mua nguyên liệu. Hàng ngày, sau khi hoàn thành xong việc học, các em tranh thủ thời gian cắt, rửa, sấy nguyên liệu để làm trà. Sản phẩm làm ra được những người thân trong gia đình sử dụng trước, sau đó giới thiệu cho bạn bè gần xa.

Như cho biết thêm: “Mỗi ký trà chúng em bán 500.000 đồng. Tiền lãi không nhiều nhưng chúng em cảm thấy rất vui vì có thể trải nghiệm thực tế. Điều quan trọng là qua đó, chúng em học được kỹ năng xây dựng kế hoạch và tinh thần dám nghĩ, dám làm”.

Mới đây, với sự hướng dẫn của thầy giáo Hoàng Tiến Việt, đề tài “Trà dược liệu khổ qua rừng” của Như và Nhi đã hoàn thiện hơn về cơ sở khoa học và được gửi dự thi Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 và đạt giải khuyến khích.

ADQuảng cáo

Tương tự, xuất phát từ nhu cầu thực tế, điều kiện sẵn có địa phương cũng như ý tưởng khởi nghiệp của bản thân, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm đa dạng, thiết thực, phù hợp với xu hướng thị trường.

Tiêu biểu như các đề tài: Xà phòng diệt khuẩn từ tinh dầu lá hồ tiêu của các em Hồ Thị Mỹ Lành và Sầm Việt Tuấn, ở Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp); Nước tẩy rửa sinh học từ vỏ chanh dây và vỏ bồ kết của các em Võ Thị Thu Hiền và Hoàng Thị Hồng Liên, ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa); Xà bông thảo dược từ tinh chất lá vối và tinh dầu bơ của các em Vũ Khắc Toàn và Hồ Mai Linh, ở Trường THPT Quang Trung (Đắk Mil)…

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được kỳ vọng sẽ trở thành “vườn ươm" để học sinh tiếp tục có những sáng kiến, ý tưởng mới áp dụng vào thực tế

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Theo Ban tổ chức cuộc thi, Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là hoạt động thường niên, với mục đích xuyên suốt là khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của học sinh. Qua đó, các em có thể vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm gần đây, cuộc thi không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu thuần túy mà bắt đầu định hướng cho học sinh gắn liền nghiên cứu khoa học với ứng dụng và khởi nghiệp.

Đơn cử như đề tài “Thiết bị cảnh báo ngồi học sai tư thế của học sinh” của em Lê Dũng, ở Trường THCS Lê Hồng Phong (Đắk Mil). Theo Dũng,  nguyên lý hoạt động khá đơn giản, chỉ cần đặt thiết bị phía sau lung, nếu tư thế ngồi hợp lý thì thiết bị không phát ra bất cứ tín hiệu gì. Nếu tư thế ngồi của học sinh hơi cúi sát so với mặt bàn thì thiết bị rung lên, cảnh báo người học ngồi sai tư thế để kịp thời chỉnh sửa. Bên cạnh đó, giá thành để làm thiết bị cũng khá rẻ, khoảng 20.000 đồng gồm pin cúc áo, công tắc gạt, cảm biến nghiêng, mô tơ rung…

Dũng cho biết thêm: “Với dự án của mình, em sẽ nuôi dưỡng và tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều tính năng hữu ích khác. Đây cũng là ý tưởng khởi nghiệp của bản thân em trong tương lai”.

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, trong xu hướng tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, việc định hướng cho học sinh có những bước đi phù hợp trong quá trình khởi nghiệp của bản thân ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, ngoài kiến thức văn hóa, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đang cố gắng trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, tạo một môi trường luôn gợi mở, khơi dậy, khuyến khích nhằm phát hiện, hun đúc những ý tưởng mới, sáng tạo và độc đáo ngay từ ban đầu của các em. Đặc biệt, Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được kỳ vọng sẽ trở thành “vườn ươm”, để học sinh toàn tỉnh tiếp tục có những sáng kiến, ý tưởng mới áp dụng vào thực tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vườn ươm” ý tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO