Thanh niên khởi nghiệp được "tiếp sức"

Đức Hùng| 15/07/2020 09:13

Những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao của thanh niên đang được Tỉnh đoàn Đắk Nông quan tâm, hỗ trợ vay vốn để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất…

ADQuảng cáo

Nhận thấy thị trường măng tây xanh khá dồi dào, năm 2018 chị Đoàn Thị Vui, ở thôn 6, xã Đắk Wer, (Đắk R’lấp) quyết định trồng thử nghiệm 500 gốc. Trước khi xây dựng mô hình măng tây xanh, chị đi tham quan một số mô hình măng tây xanh ở tỉnh khác để tìm hiểu thị trường, cây giống và các kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, chị biết tuân thủ các khâu chăm sóc, phòng bệnh cho cây. Măng tây xanh của gia đình chị Vui chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi phát sinh sâu bệnh hại, chị sử dụng chế phẩm sinh hoặc thuốc tự chế từ nguyên liệu thiên nhiên như tỏi, ớt để xử lý. 

Anh Lê Thanh Tùng thôn Quảng Thọ, xã Đạo Nghĩa (Đắk R'lấp) được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất măng tây xanh

Đến nay, vườn măng tây xanh của chị Vui đã phát triển được hơn 2 sào. Trung bình mỗi ngày, chị thu 8- 10 kg măng. Mỗi tháng chị có thu nhập từ 10-13 triệu đồng. Mô hình khởi nghiệp tốt, nên chị Vui được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ nguồn vốn này, sắp tới chị tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất măng tây xanh thêm 2.000m2. Hiện nay chị Vui đã kết nối được với khá nhiều kênh phân phối, nên sản xuất măng tây xanh bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Tương tự, đầu năm 2017, anh Hà Văn Cương (SN1995), xã Long Sơn (Đắk Mil) đầu tư 15 triệu đồng mua 4 con dê giống lai và dê bách thảo về nuôi. Trên diện tích khoảng 150m2, anh Cương xây dựng chuồng nuôi dê khá bài bản. Sàn cho dê ở cách mặt đất gần 1 m, bảo đảm độ khô ráo, thoáng mát. 

Anh Cương trao đổi, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, nhất là về chuồng trại, theo dõi và quản lý đàn dê. Dê có sức đề kháng rất cao, ít bệnh, nên chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh là dê khỏe mạnh. 

ADQuảng cáo

Mô hình chăn nuôi dê của anh Hà Văn Cương, xã Long Sơn (Đắk Mil) được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng để mở rộng quy mô

Sau nhiều năm vừa gây đàn, vừa bán thịt, hiện nay, đàn dê của anh Cương có hơn 100 con, trong đó, có 30 con dê cái sinh sản. Mỗi năm dê sinh sản 2 - 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 3 con. Mỗi năm anh xuất bán 2 đợt, với khoảng 100 con dê giống, dê thịt các loại. Giá dê dao động từ 100.000 - 140.000 đồng/kg. Thu nhập từ trại dê của anh Cương hiện nay đạt khoảng 150 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. 

Nhận thấy mô hình phát triển hiệu quả, phù hợp với điều kiện của thanh niên và tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Tỉnh đoàn cũng đã hỗ trợ anh Cương vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Có thêm vốn, anh Cương sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô đàn dê và mua thêm giống đực chất lượng để cải tạo đàn, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Nắm bắt nhu cầu của thanh niên trong việc xây dựng các mô hình khởi nghiệp, Tỉnh đoàn Đắk Nông đã triển khai hỗ trợ vốn để các mô hình tiếp tục được đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đầu năm đến nay, thông qua Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn đã triển khai hỗ trợ vốn cho 13 mô hình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền 880 triệu đồng. Trong đó, mô hình hỗ trợ thấp nhất 30 triệu đồng, mô hình hỗ trợ cao nhất 100 triệu đồng.  

heo lãnh đạo Tỉnh đoàn, những mô hình khởi nghiệp có tính khả thi nhất sẽ được Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiến hành thẩm định, khảo sát để hỗ trợ vay vốn. Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, Tỉnh đoàn đã trực tiếp đến các mô hình để kiểm tra thực tế, xem xét ý chí, quyết tâm của các thanh niên và giúp họ từng bước xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên khởi nghiệp được "tiếp sức"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO