"Nâng tầm" đặc sản thịt trâu, thịt bò gác bếp của người Thái

Đức Hùng| 27/09/2018 10:08

Nắm bắt được lợi thế kinh tế của mặt hàng thịt trâu, bò gác bếp chế biến theo công thức truyền thống của người Thái, gia đình chị Lang Thị Hoa, ở xã Nam Xuân (Krông Nô) đã mở cơ sở chế biến, cung cấp thịt trâu, thịt bò gác bếp cho thị trường tại thị trấn Đắk Mâm.

ADQuảng cáo

Năm 2000, gia đình chị Lang Thị Hoa, người dân tộc Thái, từ quê hương Thanh Hóa vào Krông Nô lập nghiệp. Với số vốn tích lũy được ở quê, vợ chồng chị nhanh chóng mua đất, dựng nhà, ổn định cuộc sống.

Trên vùng đất mới, không có điều kiện về quê thường xuyên nên mỗi khi nhớ quê hương, chị Hoa lại làm những món ăn truyền thống của dân tộc Thái cho các thành viên trong gia đình, bà con hàng xóm thưởng thức. Từ những lần như thế, nhiều bạn bè, người thân ấn tượng với món thịt trâu, thịt bò gác bếp do chị làm theo công thức truyền thống. Từ đó, mỗi khi làm thịt trâu, bò gác bếp cho gia đình, chị lại nhận được "đơn đặt hàng" từ những người thân, hàng xóm cùng quê và cả những người được một đôi lần thưởng thức món thịt chị Hoa làm.

Thịt trâu, thịt bò gác bếp được giới thiệu tại Hội chợ xúc tiến thương mại huyện Krông Nô

Chị Hoa chia sẻ: Từ những "đơn đặt hàng" của người thân và bạn bè trên địa bàn, năm 2015 gia đình bắt đầu kinh doanh thịt trâu, thịt bò gác bếp. Để chế biến được món thịt trâu, thịt bò gác bếp theo phương pháp truyền thống thì phải kĩ ngay từ khâu mua thịt làm nguyên liệu. Cách làm là thịt trâu, thịt bò được rửa sạch, thái từng miếng dài 12-18cm với bề dày khoảng 3-4cm hình khối. Với hình khối như vậy, miếng thịt đủ mỏng để khi ướp gia vị dễ ngấm hơn nhưng lại đủ dày để giữ lại màu hồng tươi và vị ngọt đặc trưng của miếng thịt sau khi chế biến. Các gia vị ướp thịt gồm: ớt, gừng, tỏi, hạt tiêu, mắc khén...Thịt ướp xong được dùng que tre xiên lại và treo lên trên giàn than củi để sấy khô.

ADQuảng cáo

Mỗi đợt sấy, gia đình chị sử dụng khoảng 40 kg nguyên liệu thịt trâu, thịt bò tươi. Theo kinh nghiệm của chị Hoa, sau khoảng 2 ngày sấy khô trên bếp than, 3 đến 4 kg thịt trâu, thịt bò tươi thu được khoảng 1 đến 1,2 kg  thịt khô. Để bảo đảm sản phẩm đến tay người tiêu dùng sạch, an toàn, chị Hoa đã bảo quản sản phẩm trong tủ lạnh sau khi sấy. Về đầu ra, gia đình chị đã đầu tư máy đóng gói bằng công nghệ hút chân không và từng bước giới thiệu, quảng bá, tìm chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, gia đình chị Hoa đang làm thủ tục để được cấp nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm của mình.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, gia đình chị đã đầu tư chăn nuôi hơn 20 con bò thịt, nhập nguyên liệu làm gia vị từ ngoài quê vào để món ăn giữ được hương vị truyền thống. Cơ sở sản xuất của gia đình chị Hoa có thể cung cấp đến hàng tấn sản phẩm một năm. Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định nên cơ sở này chủ yếu vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Hiện nay, mỗi tháng, gia đình chị sản xuất khoảng 100 kg thịt trâu, thịt bò bò khô, bán với giá từ 700 đến 800 ngàn đồng/kg.

"Dù đi bất cứ nơi đâu, gia đình tôi vẫn lưu giữ nét bản sắc dân tộc Thái. Ngày xưa, ông bà không có điều kiện để bảo quản như bây giờ nên sản phẩm thường được sử dụng trong thời gian ngắn. Nhưng hiện nay, gia đình tôi đầu tư công nghệ bảo quản sau chế biến nên có thể sử dụng và bán sản phẩm thịt trâu, thịt bò khô quanh năm. Đây cũng là hướng mà gia đình tôi lựa chọn để khởi nghiệp trên vùng đất Tây Nguyên"- chị Hoa cho biết.

Với thịt trâu, thịt bò sấy khô trên gác bếp của chị Hoa, người dùng chỉ cần lấy thịt khô xé dọc thớ thịt, chấm với tương ướt, hoặc xào, hoặc nấu để thưởng thức. Những sợi thịt đậm đà, nhiều hương vị tự nhiên của núi rừng Tây Bắc sẽ mang đến cho người dùng cảm giác vừa miệng, thịt trâu, thịt bò giữ được sự tươi ngon vốn có.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nâng tầm" đặc sản thịt trâu, thịt bò gác bếp của người Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO