Doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp: Còn khiêm tốn

Bài, ảnh: Lương Nguyên| 20/12/2018 09:30

Được xem là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, song hiện nay số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi sự ý tưởng sản xuất, kinh doanh còn khá khiêm tốn. Điều này đang đặt ra một vấn đề là làm sao để lĩnh vực này thực sự là "mảnh đất màu mỡ", thu hút các doanh doanh nghiệp tham gia.

ADQuảng cáo

Không có quỹ đất lớn để sản xuất, hợp tác với nông dân còn nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh, tiếp cận các chính sách ưu đãi còn khó… là những trở ngại mà hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang gặp phải. Để tháo gỡ những “nút thắt” và giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này cần những cơ chế phù hợp hơn.

Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy là một trong những đơn vị đi đầu trong việc mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

Nhiều cái khó

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số gần 500 doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2018, số doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 3,62%; lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, sản xuất, chế biến, xây dựng chiếm 23,40%; còn lại là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải, với tỷ lệ chiếm 72,98%. Con số doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh nông, lâm nghiệp còn hạn chế là xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, việc tiếp cận vốn tín dụng qua các ngân hàng thương mại là một trong những trở ngại hiện doanh nghiệp đang gặp phải.

Anh Nguyễn Công Thành, Giám đốc Công ty Chế biến Nông Trang, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) phân trần: Doanh nghiệp chúng tôi muốn khởi nghiệp trên nền tảng những ưu thế sẵn có của địa phương. Vậy nhưng, khi tiếp cận vốn tại các ngân hàng, do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản trên đất nông nghiệp nên thiếu cơ sở xác định giá trị tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng. Không có vốn, nhiều doanh nghiệp loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra được hướng đi phù hợp để phát triển về quy mô và chất lượng sản phẩm.

Thực tế, cùng với khó khăn về vốn, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị của doanh nghiệp còn rất thô sơ nên sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.  Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu bền vững, chưa theo chuỗi liên kết trong sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lúng túng khi có những biến cố từ thị trường. Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn còn nhiều hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, doanh nghiệp còn yếu. Từ đây, phần lớn các doanh nghiệp mới khởi nghiệp ở lĩnh vực này dường như bế tắc về hướng đi.

ADQuảng cáo

Liên kết với nông dân để tạo ra sản phẩm cà phê sạch, hữu cơ là hướng đi mà Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông đang triển khai

Cần “thoáng” hơn về chính sách

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm, giúp các dooanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và lĩnh vực này, theo đại diện các doanh nghiệp thì nhà nước cần phải xóa bỏ được những “rào cản” đang gặp phải thông qua các chính sách, cơ chế phù hợp.

Ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song), một trong những đơn vị mạnh dạn đầu tư vào mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cho rằng: “Về phía các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. Các đơn vị liên quan nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định để doanh nghiệp yên tâm khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này”.

Có chung quan điểm, ông Nông Quốc Doanh, Chủ Doanh nghiệp tư nhân chế biến Phương Trang (Cư Jút) chia sẻ: “Để tiếp sức cho doanh nghiệp, trong giai đoạn đầu, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hình thức cho vay vốn ưu đãi. Bởi vì, khi được hỗ trợ về vốn, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong việc hoạch định các chiến lược để đầu tư”.

Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nên tập trung liên kết, hợp tác kinh doanh theo hướng sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp là yếu tố mà các doanh nghiệp nên chủ động hướng đến.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp: Còn khiêm tốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO