Bước chuyển mình ở cụm dân cư Đắk Nang

Thanh Hằng| 08/12/2021 08:28

Đồng bào Mông ở cụm dân cư Đắk Nang giờ đây không còn lo lắng về cái ăn, cái mặc, nhiều người còn tính đến chuyện làm du lịch dựa vào bản sắc của dân tộc!”, anh Giàng A Phương, Trưởng thôn 2, xã Đắk Som (Đắk Glong) tự hào giới thiệu về cụm dân cư Đắk Nang-một thời là vùng đất đầy khó khăn.

ADQuảng cáo

Thay đổi tập quán sản xuất

Ông Giàng Sái Thể ở cụm dân cư Đắk Nang cho biết, năm 2000 ông cùng gia đình từ tỉnh Lai Châu vào xã Đắk Som để làm kinh tế. Thời điểm đó, bà con chỉ biết trồng sắn, bo bo để ăn. Dù đất đai sản xuất và thời tiết tốt hơn rất nhiều so với ngoài quê nhưng đời sống của bà con vẫn rất khó khăn do tập quán canh tác lạc hậu và kinh tế phụ thuộc nhiều vào khai thác lâm sản.

Năm 2003, ông Thể là người đầu tiên của xã Đắk Som trồng cà phê. Chính nhờ quyết định chuyển đổi cây trồng, thói quen canh tác đã giúp gia đình ông có thu nhập cao, bảo đảm đời sống cho hơn 10 người suốt nhiều năm qua.

Nhớ lại thời gian đó, ông Thể kể: "Gia đình tôi có một ít vốn, rồi vay mượn thêm anh em, bà con trong thôn được 60 triệu đồng để trồng cà phê. Ngày đó đào hố vẫn thủ công nên vất vả hơn bây giờ nhiều. May mắn, cà phê phát triển tốt, chỉ 4 năm sau tôi có đủ tiền trả nợ và mở rộng thêm diện tích cho đến ngày nay".

Ông Giàng Sái Thể là người dân đầu tiên trồng cà phê tại vùng đất Đắk Nang

Chỉ tay về chiếc ô tô trị giá hơn 1 tỷ đồng, ông Giàng Sái Thể tự hào khoe, không những đời sống gia đình ổn định, các cháu được học hành đàng hoàng mà ông còn dựng được một căn nhà trị giá gần 700 triệu và mua xe máy, xe ô tô phục vụ đi lại cho gia đình và nhu cầu của người dân trong vùng.

Anh Giàng A Phương, Trưởng thôn 2 cho biết, không chỉ hộ ông Thể mà đời sống của hàng trăm hộ dân ở cụm dân cư Đắk Nang từng bước ổn định nhờ thay đổi tập quán canh tác, sản xuất có hiệu quả hơn. Đặc biệt, ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân còn bắt đầu làm thương mại, dịch vụ.

ADQuảng cáo

“Bà con người Mông ở Đắk Nang mỗi tuần đều có một ngày chợ phiên. Đây không chỉ là nơi trao đổi, mua bán của bà con trong vùng mà còn thu hút được nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm. Nhiều hộ gia đình đã biết đầu tư, mở dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí để phục vụ người dân có nhu cầu. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng chợ phiên Đắk Nang được đầu tư trở thành một điểm đến du lịch của Đắk Nông”, anh Giàng A Phương nói.

Bà con xã Đắk Nang đi chợ phiên cuối tuần (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nâng cao dân trí

Hiện tại, ngoài đầu tư, nâng cấp đường giao thông, trường lớp tại khu dân cư Đắk Nang cũng ngày một khang trang, hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 2.000 học sinh từ bậc mầm non đến THCS.

Thầy giáo Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vừ A Dính cho biết, từ năm học 2019-2020, trường được đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng một dãy phòng học mới. Hiện tại, với 36 phòng học hiện tại, nhà trường có hơn 1.290 học sinh theo học với tỷ lệ gần 95% là học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông.

Một góc của khu dân cư Đắk Nang với nhà cửa san sát, kiên cố

Ông Bùi Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết, việc đầu tư hạ tầng, trong đó có trường lớp đã góp phần vào công tác ổn định dân cư tại khu vực này. Tới thời điểm hiện tại, dù chưa thể khẳng định trường học đáp ứng được 100% nhu cầu của người dân, song nhìn chung đã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây.

Theo ông Tân, điều quan trọng nhất là bà con tại cụm dân cư Đắk Nang đã từ bỏ những tập tục lạc hậu và chú trọng đến việc học hành của con cái. Tại cụm dân cư, tất cả các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường, có nhiều cháu sau khi hoàn thành bậc học THCS tiếp tục học tiếp lên THPT và đại học, giúp nâng cao dân trí rõ rệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển mình ở cụm dân cư Đắk Nang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO