Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Hồng Thoan| 02/02/2021 08:30

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng, thực tế việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vẫn chậm, quy mô còn hạn hẹp.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) đã mang lại những kết quả tích cực đối với ngành Nông nghiệp Đắk Nông. Trong đó, nổi bật nhất là chuyển phương thức sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang quy mô lớn hơn, ứng dụng các giống, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, kết quả ứng dụng KHCN vào nông nghiệp vẫn còn chậm, dẫn đến hiệu quả đại trà vẫn còn thấp. Do đó, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tạo được sự bứt phá trong việc khẳng định giá trị sản phẩm trên thị trường, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể như đề tài khoa học “Nghiên cứu, xây dựng quy trình phòng, chống bệnh vi rút và mô hình sản xuất tiên tiến trên chanh dây ở Đắk Nông” đã xác định được yếu tố gây bệnh và những giải pháp quản lý dịch bệnh hiệu quả. Kết thúc đề tài đã xây dựng được bộ quy trình giám định bệnh vi rút và 1 quy trình phòng, chống bệnh tiên tiến.

Toàn tỉnh có hơn 1.700 ha chanh dây nhưng ứng dụng quy trình phòng chống bệnh vẫn chưa được nhân rộng

Tuy nhiên, việc ứng dụng đề tài chỉ mới ở bước đầu, chưa được triển khai, duy trì lâu dài tại các vùng trồng chanh dây của tỉnh. Cụ thể, đề tài mới được ứng dụng tại vùng sản xuất chanh dây của HTX Tia Sáng (Gia Nghĩa). Trong khi đó, diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.700 ha.

Đối với đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp khoa học, tổng hợp để tái canh sớm cây cà phê tại Đắk Nông” đã tìm được tác nhân gây chết sớm cà phê tái canh. Nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất được quy trình tái canh cà phê sau 6-12 tháng.

Quy trình này có hiệu quả kỹ thuật cao, giúp người dân, doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian khoảng 1 năm để tái canh cà phê. Thế nhưng, đến nay việc ứng dụng đề tài này vẫn còn rất hạn hẹp. Phần lớn người dân vẫn thực hiện tái canh cà phê theo cách của mình.

ADQuảng cáo

Giai đoạn 2021-2025, phát triển KHCN của tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ chính gồm: Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu.

Việc nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng, sản phẩm từ dược liệu theo chuỗi giá trị được tiếp tục quan tâm. Riêng năm 2021, tỉnh chú trọng các đề tài về chế biến sâu các nông sản chủ lực như bơ, cà phê.

Năm 2021, sở Khoa học và CN sẽ nghiên cứu về chế biến sâu quả bơ

Theo ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông, thời gian qua sự phối hợp giữa các ngành liên quan nhằm nâng cao hàm lượng KHCN trong nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Phần lớn nhiệm vụ đều do Sở KHCN chủ động triển khai còn thiếu cơ chế đặt hàng từ ngành Nông nghiệp hay các huyện, thành phố. Do đó, hoạt động KHCN vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, khi làm xong thì chậm được tuyên truyền, nhân rộng.

Cũng về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, thời gian qua, sự phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và Sở KHCN còn chưa thường xuyên. Một trong những nguyên nhân là thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế.

Đây là vấn đề sẽ được ngành Nông nghiệp sớm khắc phục trong giai đoạn 2021-2025 nhằm đưa KHCN vào nông nghiệp nhiều hơn. Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu coi KHCN là động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, thu hút, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác có tiềm lực làm đầu mối liên kết. Qua đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thế mạnh, chất lượng cao, ổn định, nâng cao đời sống cho nông dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO