Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp

Thùy Dương (t.h)| 24/10/2017 09:57

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp – PTNT), thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp tích cực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đã có những hoạt động triển khai đưa lại những kết quả bước đầu.

ADQuảng cáo

Cụ thể, về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ nuôi cấy tế bào đã được ứng dụng rộng rãi để cung cấp cây giống sạch bệnh, giá thành rẻ cho sản xuất giống trên nhiều đối tượng cây trồng nông, lâm nghiệp (rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lâm nghiệp). Công nghệ gene đã được ứng dụng trong nghiên cứu cải tiến các giống cây trồng vật nuôi có năng suất chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao với sâu bệnh hại, điều kiện môi trường không thuận lợi…

Bộ Nông nghiệp-PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 để làm chủ công nghệ sản xuất. Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp kết hợp công nghệ thông tin đã được ứng dụng tại các mô hình canh tác rau, củ, quả, hoa có giá trị kinh tế cao. Một số doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất giống (lợn, gà) và chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp (lợn, bò sữa, gà), trong sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Nhiều ứng dụng của công nghệ số thông minh đã được đưa vào thực tiễn ở nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp Việt Nam như: Công nghệ viễn thám để dự báo về các loại hình thiên tai như xâm nhập mặn, dự báo lũ, dự báo hạn trong ngành thủy lợi; giám sát rừng và cảnh báo cháy rừng trong ngành lâm nghiệp; công nghệ các ứng dụng cảm biến thông minh điều khiển từ xa ứng dụng trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhà kính, nhà lưới; công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; quản lý dữ liệu, trao đổi thông tin về bảo vệ thực vật để kết nối 669 huyện của 63 tỉnh, thành phố với các trung tâm bảo vệ thực vật của vùng…

ADQuảng cáo

Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã tham gia hệ thống tiếp nhận, trả kết quả đối với các thủ tục hành chính thực hiện trên internet (cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU qua hệ thống của EU, cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang các thị trường qua hệ thống một cửa quốc gia…). Bước đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập cơ sở dữ liệu điện tử, chỉ dẫn địa lý phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; trong xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Nông nghiệp – PTNT về tình hình triển khai tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Nông nghiệp-PTNT đưa ra một số kiến nghị, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có khả năng tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ; thúc đẩy phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, chế biến sâu phục vụ sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.

Theo Bộ Nông nghiệp - PTNT, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao và bền vững.  Một số ý kiến cho rằng, nên có tên gọi thực chất hơn về nông nghiệp có yếu tố công nghệ cao, đó là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng mà Lâm Đồng là ví dụ điển hình. Với lợi thế khí hậu, Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo cách của mình, không cần quá cầu kỳ với nhà kính hiên đại, họ chỉ cần bạt nilon che phủ song vẫn đem lại kết quả cao. Đa số công nghệ tự thân đã được tận dụng tối đa tại địa phương này.

Cũng tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Nông nghiệp – PTNT đã đưa ra một số kiến nghị cần đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực chuyên môn về sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp với đầy đủ kỹ năng trong sử dụng, vận hành các thiết bị tự động, thiết bị số; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng kiến nghị cần liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và nông dân để có thể triển khai các ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO