Tuy Đức tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

Phan Tuấn| 12/08/2020 08:27

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Tuy Đức đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tích cực xóa đói, giảm nghèo

Huyện Tuy Đức có hơn 80% người dân sinh sống bằng nông nghiệp. Nhiệm kỳ qua, công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn bởi các mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê, cao su… đều đồng loạt mất giá. Trước thực tế trên, huyện Tuy Đức đã chỉ đạo, điều hành, đưa ra nhiều giải pháp để giúp người dân bảo đảm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo...

Nhiều người dân Tuy Đức có nguồn thu nhập cao nhờ mắc ca

Các phòng chuyên môn, địa phương đã rà soát, điều tra, xác định chính xác từng đối tượng nghèo, cận nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Trên cơ sở đó, địa phương đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Các ngành chức năng đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu những mô hình, hướng phát triển kinh tế ổn định, hiệu quả.

Giai đoạn 2015-2020, huyện Tuy Đức đã tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi được trên 1.860 ha cây trồng có năng suất thấp, kém hiệu quả, sang các loại cây trồng phù hợp, cho năng suất cao. Đến nay, toàn huyện có 33.127 ha cây công nghiệp dài ngày các loại, tăng 1.200 ha so với năm 2015. Đối với nhóm cây trồng chủ lực, huyện đã hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả, năng suất.

Cây khoai tây mới được liên kết phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương

Sản lượng sản phẩm nông nghiệp thu hoạch hàng năm đạt gần 60.000 tấn/năm (cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca…). Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong giai đoạn 2015-2020 đạt mức 7,5%/năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất đạt bình quân 80 triệu đồng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển theo hình thức trang trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện đạt 253.115 con (gia súc 11.425 con, 241.690 gia cầm).

Huyện Tuy Đức đã động viên người dân phát triển cây ngắn ngày để vượt qua khó khăn

Anh Phạm Văn Ngạn, một người dân ở xã Đắk Búk So cho biết, khi cây hồ tiêu bị chết, cuộc sống của gia đình anh đã gặp phải không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, huyện đã triển khai mô hình liên kết trồng cây khoai tây DooBak Hàn Quốc cho bà con phục hồi kinh tế. Trong năm vừa qua, gia đình anh trồng thử nghiệm 4 sào khoai tây DooBak, kết quả thu về được trên 14 tấn củ. Với giá 9.000 đồng/kg, chỉ hơn 3 tháng chăm sóc, gia đình anh đã thu về được hơn 70 triệu đồng trừ chi phí. Khi hết mùa vụ khoai tây, gia đình anh còn phát triển cây bắp cải, khoai lang… ước tính thu về khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. "Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, bà con nông dân chúng tôi đã nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, vực dậy kinh tế gia đình”, anh Ngạn chia sẻ.

Nhiệm kỳ qua, bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tuy Đức giảm 4,13 %; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 6,42%/năm. Đến nay,  tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn huyện Tuy Đức đã giảm mạnh, còn 34,83%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 53,15% và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ còn 50,57%.

Tập trung phát triển kinh tế - hạ tầng

Cùng với việc tập trung nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Tuy Đức đã huy động mọi nguồn vốn để phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.

Huyện Tuy Đức xác định, mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, nên ưu tiên phát triển hàng đầu. Tỷ lệ cứng hóa đường huyện tăng từ 30% năm 2015 lên 70% năm 2020 ( khoảng 48,37 km); tỷ lệ cứng hóa đường xã hiện nay đã đạt 80%. Huyện đã đầu tư xây dựng trên 63 km đường giao thông nông thôn.

Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, huyện Tuy Đức đã được đầu tư, phát triển mạnh về hạ tầng

Để tạo sự kết nối giao thương giữa các địa phương, huyện Tuy Đức đã huy động nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 13 tuyến đường trục chính và trung tâm huyện. Tổng kinh phí đầu tư cho các tuyến đường này cũng khá lớn, ước tính khoảng 183,13 tỷ đồng. Hệ thống thủy lợi, bến xe, mạng lưới thông tin, điện lưới... không ngừng được củng cố, mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, trong nhiệm kỳ qua, có nhiều chỉ tiêu nghị quyết mà huyện đã đạt và vượt như: tổng giá trị sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; giảm tỷ lệ hộ nghèo; y tế; văn hóa; giáo dục; quốc phòng - an ninh; xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế và dân số tham gia bảo hiểm y tế.  Đây là cơ sở tạo đà cho Đảng bộ huyện Tuy Đức tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết đề ra trong nhiệm kỳ mới.

Trong nhiệm kỳ tới, huyện Tuy Đức tiếp tục đặt ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ lệ lao động làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động làm công nghiệp và dịch vụ.

Huyện chú trọng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động. Mặt khác, huyện tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, nhất là mạng lưới giao thông, điện lưới, thủy lợi... Huyện tiếp tục thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đưa huyện Tuy Đức ngày càng văn minh, giàu đẹp.        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO