Tuy Đức phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển

Phan Tuấn thực hiện| 15/03/2018 10:28

Tuy Đức là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng cũng có những tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển. Nếu khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế này thì đó sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức về vấn đề này.

P.V: Thưa ông, đầu tiên xin ông giới thiệu tổng quan về những thế mạnh của địa phương?

Ông Nguyễn Ngọc Long: Tuy Đức là huyện biên giới, có trên 40 km đường biên giới với huyện Orang, tỉnh Mondulkiri, vương quốc Campuchia. Huyện có 6 xã, 75 thôn, bon, bản, với tổng diện tích tự nhiên là 112.924,94 ha. Hiện nay, toàn huyện có trên 54.000 người, với 21 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 43% dân số toàn huyện.

Huyện có thế mạnh về nông lâm nghiệp, dịch vụ du lịch, thủy điện nhỏ và quặng bôxít... Thời gian qua, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển và giữ vai trò chủ đạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Quy mô sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rệt, giá trị sản xuất năm 2017 tăng 10,38%. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp có nhiều chuyển biến, các công trình thủy lợi được chú trọng đầu tư, công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm, năng suất nhiều loại cây trồng tăng. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện năm 2017 là 39.318,5 ha; trong đó, diện tích trồng lúa 395 ha, cây hoa màu 4.433 ha, diện tích trồng cây công nghiệp là 32.491,4 ha (cà phê 19.104,9 ha, cao su là 7.528 ha, hồ tiêu 2.394,4 ha, điều 3.410,1 ha).

Thời gian qua, huyện đã xây dựng được các mô hình điểm về nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương như: Cây mắc ca, hoa ly, hoa lay ơn lấy củ, rau sạch, nuôi cá nước ngọt…

Trên địa bàn huyện có hệ thống rừng nguyên sinh, nhiều thác nước hùng vĩ, nên thơ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ... phù hợp cho phát triển du lịch. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tại các bon thuộc xã Đắk R’tíh là di sản văn hóa của tỉnh Đắk Nông, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện có khu di tích lịch sử về phong trào đấu tranh của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, được xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 2007...

Những lợi thế này là điều kiện, cơ hội để huyện thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư, góp phần phát triển KT-XH, quảng bá hình ảnh Tuy Đức.

Ông Nguyễn Ngọc Long (thứ 2 bên phải qua) trong một dịp đi kiểm tra thực tế tại địa phương

PV: Về tổng thể, Tuy Đức vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, huyện đã được hỗ trợ như thế nào để vượt qua khó khăn và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương?

Ông Nguyễn Ngọc Long: Huyện luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và các cơ quan, ban, ngành tỉnh Đắk Nông. Cùng với sự chỉ đạo sâu sát, các cấp ngành Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ huyện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Trong năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện là 755,35 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện) bố trí trên 111 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1688/QĐ-UBND, ngày 20/10/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trồng rau, hoa chất lượng cao tại xã Đắk Búk So và Quảng Tâm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huyện tiến hành quy hoạch chi tiết và có kế hoạch đầu tư đúng mức, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường vào xã Đắk Ngo với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng. Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội xã Đắk Ngo nói riêng và huyện Tuy Đức nói chung.

PV: Trong thời gian tới, huyện có những giải pháp gì để thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn ?

Ông Nguyễn Ngọc Long: Mục tiêu của huyện là xây dựng nền sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với thị trường. Chú trọng triển khai các dự án quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến...

Để mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn, huyện sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng thân thiện, tích cực, giảm phiền hà và thời gian cho người dân, doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, huyện sẽ tập trung chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Huyện sẽ xây dựng cơ chế phù hợp trong khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về  đất đai, quy hoạch phát triển...

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO