Tuy Đức khôi phục rừng bằng nông lâm kết hợp

Đức Hùng| 20/04/2022 08:56

Nông lâm kết hợp là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp huyện Tuy Đức tháo gỡ được “nút thắt” trong phát triển rừng bền vững. Nhờ giải pháp này, huyện đã phần nào xử lý được vấn đề đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm lâu nay.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Tuy Đức) thực hiện thí điểm Đề án nông, lâm kết hợp gắn với khoán vườn cây theo Nghị định 168/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, công ty đã tiến hành thống kê, rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân xâm canh trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu và các loại cây trồng khác.

Từ đó, công ty tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia Đề án. Ban đầu, công ty gặp không ít khó khăn do người dân chưa hiểu rõ những lợi ích mà Đề án mang lại. Người dân cũng có tâm lý e ngại khi đưa những cây trồng mới vào canh tác.

Một mô hình nông, lâm kết hợp được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên triển khai

Với địa bàn đặc thù có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, công ty xác định, công tác tuyên truyền, vận động người dân là yếu tố then chốt, quyết định thành công của Đề án.

Bằng cách làm linh hoạt, sáng tạo, kết hợp nhiều hình thức khác nhau, công ty đã giúp nhiều hộ dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số tại chỗ, hiểu rõ những lợi ích từ mô hình nông, lâm kết hợp. Từ đó, nhiều hộ đã chuyển qua ủng hộ, tích cực tham gia Đề án.

Trường hợp anh Điểu Diên, người M’nông, ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) là một ví dụ. Anh tham gia Đề án bằng cách trồng xen mắc ca (được công nhận là cây lâm nghiệp) trong rẫy cà phê.

Thời gian qua, anh cũng được cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc mắc ca. Nhận thấy Đề án mang lại nhiều lợi ích, anh Diên đã vận động nhiều người khác cùng tham gia.

Vườn mắc ca nông, lâm kết hợp đã bắt đầu cho thu hoạch

Đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã xây dựng được 11 phương án đầu tư liên kết nông, lâm kết hợp theo Đề án. Tổng cộng, công ty đã giao khoán hơn 611 ha đất lâm nghiệp cho 223 hộ dân để thực hiện các mô hình nông, lâm kết hợp.

Đặc biệt, trên nhiều diện tích đất người dân xâm canh, công ty đã tiến hành triển khai phương án trồng cây mắc ca và giổi. Hiện 2 loại cây này đang sinh trưởng và phát triển tốt. Một số diện tích mắc ca đã ra hoa, đậu quả, hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho công ty trong tương lai gần.

Đối với các hộ dân tham gia vào Đề án nông lâm kết hợp, công ty khuyến khích trồng xen canh cây mắc ca trong vườn cây nông nghiệp. Công ty đã cung cấp cây giống mắc ca chất lượng cao, hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.

Khi thu hoạch sản phẩm, công ty chỉ thu 3% lợi tức, còn người dân trực tiếp sản xuất được hưởng 97%. Điều này giúp người dân yên tâm tham gia vào Đề án.

Qua gần 5 năm triển khai Đề án, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên trồng rừng đối với hơn 18% tổng diện tích đất bị người dân xâm chiếm. Phần lớn diện tích rừng trồng này đều được người dân chăm sóc, bảo vệ tốt.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ  tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, việc thực hiện Đề án đã giúp công ty và huyện Tuy Đức từng bước tháo gỡ được “nút thắt” trong xử lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Đề án đã giúp giảm xung đột lợi ích giữa quản lý, bảo vệ, phát triển rừng với vấn đề đất đai từ người dân. Các mô hình nông, lâm kết hợp của Đề án không chỉ góp phần tăng độ che phủ rừng mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nông lâm kết hợp đang giúp huyện Tuy Đức khôi phục rừng khá tốt

Cũng theo ông Bình, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai Đề án này chính là nguồn tài chính. Đề án chưa được bố trí được nguồn vốn, nên công ty phải tự cân đối.

"Hiện nay, diện tích đất cần triển khai Đề án là rất lớn. Nếu không được bố trí nguồn vốn thì công ty rất khó xây dựng các phương án phát triển nông, lâm kết hợp", ông Bình cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức khôi phục rừng bằng nông lâm kết hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO