Tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá, nâng cao thu nhập

Ngọc Lê| 21/05/2019 09:54

Thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Tuy Đức đã tận dụng diện tích mặt nước từ các ao hồ sử dụng tưới cây trồng để nuôi cá, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

ADQuảng cáo

Gia đình chị Vũ Thị Gấm, ở thôn 1, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) hàng ngày đều có các loại cá chép, diêu hồng, rô phi… bán cho các nhà hàng ăn uống, người dân trong vùng.

Gia đình chị Vũ Thị Gấm, ở xã Đắk Búk So tận dụng diện tích mặt nước tưới tiêu cho hoa màu để nuôi cá, cải thiện thu nhập

Theo chị Gấm, gia đình có khoảng 3.000 m2 mặt hồ nước để phục vụ tưới tiêu cho các loại cây hoa màu. Trong quá trình sử dụng hồ nước, chị Gấm quan sát thấy hồ nước sạch, lại có thể thay đổi nước thường xuyên với dòng suối bên cạnh nên các loại cá tự nhiên sinh trưởng tốt. Nhận thấy đây là cơ hội để phát triển nuôi trồng thủy sản nên chị Gấm đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để cải tạo ao hồ, mua các giống cá về thả.

“Trong quá trình nuôi cá, gia đình tôi không tốn kém nhiều chi phí đầu tư bởi nguồn thức ăn cho cá chủ yếu là các loại rau, củ, quả… dư thừa trong quá trình sản xuất của gia đình. Mặc dù chỉ xác định nuôi phụ, đỡ lãng phí diện tích mặt nước nhưng thu nhập là khá cao, mỗi tháng gia đình tôi thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi từ bán cá thương phẩm để trang trải nhu cầu cuộc sống”- chị Gấm phấn khởi.

Với 1 ha đất sình lầy, ao hồ, những năm trước đây, gia đình ông Đào Vặn Thự, ở thôn 3, xã Đắk Búk So chỉ sử dụng để tưới cho 3 ha hồ tiêu, khoai lang và ngô. Khoảng 5 năm trở lại đây, thấy mặt nước sâu, lúc nào cũng trong xanh nên ông Thự đã mua các loại giống cá lóc, diêu hồng, rô phi, chép, trắm… về nuôi. Với nguồn thức ăn chủ yếu các loại rau khoai, lá ngô… nên gia đình ông Thự không tốn kém nhiều chi phí đầu tư.

ADQuảng cáo

Ông Thự cho biết: Do cá gia đình chúng tôi nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên nên được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng cao. Hiện nay, mỗi năm, gia đình tôi cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn cá, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có nguồn thu nhập "cứng" từ nuôi cá gần 180 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhờ duy trì, tích trữ được diện tích mặt nước để tưới các loại cây trồng khác nên mỗi năm gia đình tôi còn có thêm nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng nữa từ các loại cây trồng khác.

Theo ông Thự, nuôi cá có thu nhập cao trong khi lại tốn ít thời gian, có thể làm thêm các việc khác. Lợi nhuận từ nuôi trồng thủy sản mang lại khá lớn nên trong thời gian tới, gia đình tôi dự định sẽ tiếp tục cải tạo vườn rẫy thêm để chăn nuôi thủy sản.

Hàng năm gia đình ông Đào Văn Thự xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cá, đem về nguồn thu nhập hơn 180 triệu đồng

Bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức cho biết, hiện nay,  một số xã có diện tích mặt nước lớn như Quảng Trực, Đắk R’tíh, Đắk Búk So… thì việc phát triển nuôi trồng thủy sản đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Qua thống kê, hiện người dân trên địa bàn huyện đang sử dụng khoảng 120 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản với sản lượng đạt 180 tấn/năm. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Để phát triển thủy sản ổn định, bền vững hơn, trong thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, tăng cường liên kết tạo đầu ra cho người dân...

“Hiện nay, huyện cũng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác những tiềm năng, lợi thế về mặt nước để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần tận dụng quỹ đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân”- bà Phượng cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá, nâng cao thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO