Nhiều cây trồng mới ở Tuy Đức cho thu nhập cao

Phan Tuấn| 20/04/2021 10:47

Những năm qua, nhiều loại cây trồng mới được người dân trên địa bàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đưa vào trồng đều phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.

Cây mắc ca được người dân Tuy Đức đưa vào sản xuất nhều năm qua

Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Điểm, ở xã Đắk Búk So, đã trải qua vài vụ thu hoạch cam mật và bưởi da xanh.

Ông Điểm cho biết, mấy năm trước, gia đình ông có một số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Do đó, gia đình đã mạnh dạn tìm những giống cây trồng mới ở địa phương khác mang về trồng thử nghiệm. Sau đó, ông đã quyết định chọn cây bưởi da xanh, cam mật trồng trên diện tích 4 ha.

Ông Điểm cho biết, sau 4 năm chăm sóc, cây cam mật và bưởi da xanh đều phát triển rất tốt. Hiện nay, hai loại cây trồng này đã bước vào giai đoạn thu hoạch, cho năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm bưởi da xanh, cam mật của gia đình ông được các tiểu thương, người dân ưa chuộng, thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Với 4 sào cây ăn trái, trừ hết chi phí, mỗi năm, gia đình ông Điểm có thu nhập hơn 120 triệu đồng. 

Cam sành miền Tây được đưa vào trồng ngày càng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở Tuy Đức

Tương tự, gia đình anh Đỗ Tiến Định, cũng ở xã Đắk Búk So, đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha hồ tiêu sang trồng cam sành. Giống cam sành được gia đình anh Định mua từ các tỉnh miền Tây về trồng. Sau 4 năm chăm sóc, đến nay, 1 ha cam sành của gia đình anh Định đã bước vào giai đoạn thu bói, với năng suất đạt khoảng 15 tấn quả/ha. Sau khi có sản phẩm, vườn cam sành của gia đình anh Định được thương lái đến thu mua tận vườn, với mức giá 10.000 đồng/kg.

Theo anh Định, cam sành khi được trồng ở vùng đất Đắk Búk So cho trái  to, tròn, mọng nước, rất ngọt và ít bị sâu bệnh. Những yếu tố này giúp cam sành ở Đắk Búk So có thể cạnh tranh sòng phẳng với những sản phẩm cam sành ở các địa phương khác. Trong nhưng năm tới, khi vườn cam sành bước vào thời kỳ thu chính, năng suất sẽ cao hơn và chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Cam sành trồng ở huyện Tuy Đức cho trái to tròn, mọng nước và rất ngọt 

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, những năm qua, khi giá các cây trồng chủ lực ở địa phương như cao su, hồ tiêu, cà phê… liên tục giảm mạnh, đơn vị đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để cải thiện thu nhập. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy Đức có nhiều loại cây trồng mới từ ngắn ngày đến dài ngày được người dân đưa từ các địa phương khác về sản xuất. Trong đó, có nhiều mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao như nha đam, cam mật, bưởi da xanh, nhãn lồng Hưng Yên, vú sữa Hoàng Kim, khoai tây Doobak Hàn Quốc, sầu riêng Musangking (Malaysia), khoai lang Nhật Bản, mắc ca…  

Cây khoai tây Doobak Hàn Quốc trồng ở Tuy Đức cho chất lượng tốt, năng suất cao

Sau khi người dân mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới về trồng thử nghiệm, Hội Nông dân huyện đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các phòng, ban chức năng theo dõi sự phát triển và đánh giá tính hiệu quả của mô hình. Đối với những mô hình hay, hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện Tuy Đức tìm hiểu thị trường nhằm tìm kiếm đầu ra sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Huyện Tuy Đức cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng, giúp người dân thực hiện nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm. Qua đó, từng bước nâng cao uy tín, giá trị tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp huyện Tuy Đức trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cây trồng mới ở Tuy Đức cho thu nhập cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO