Khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông

Ngọc Lê| 21/05/2018 14:58

Những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song việc phát triển hạ tầng giao thông ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vẫn gặp rất nhiều khó khăn, làm cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuyến đường liên xã Đắk Búk So nối với xã Quảng Trực mới đầu mùa mưa nhưng lầy lội gây khó khăn cho người dân đi lại

Chỗ nào cũng khó

Giao thông khó khăn nhất ở huyện Tuy Đức phải kể đến xã vùng sâu, vùng xa Đắk Ngo. Hiện nay, phần lớn các tuyến đường liên xã, liên thôn ở địa phương này đã xuống cấp nghiêm trọng. Có nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã chưa được đầu tư xây dựng mà chỉ là những lối mòn được hình thành từ việc đi lại thường xuyên của người dân.

Theo UBND xã Đắk Ngo, toàn xã có 40 km đường giao thông liên xã, nhưng mới nhựa hóa được 13 km. Đường liên thôn có chiều dài 35,5 km nhưng chỉ có 6 km được bê tông hóa. Nhu cầu đầu tư hệ thống đường giao thông ở xã Đắk Ngo là rất lớn nhưng gặp rất nhiều trở ngại. Đa phần người dân đều gặp khó trong việc đi lại, con cái đến trường hay giao thương hàng hóa… Trở ngại về giao thông khiến địa phương gần như "giẫm chân tại chỗ" trong phát triển kinh tế, xã hội.

Đắk Búk So là địa phương nằm ở trung tâm của huyện nhưng hạ tầng giao thông của xã này cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tỷ lệ đường nhựa hoặc bê tông ở các thôn, bon của Đắk Búk So đạt tỷ lệ thấp. Đơn cử như tuyến đường liên xã Đắk Búk So nối xã Quảng Trực hàng ngày luôn có hàng nghìn lượt người qua lại nhưng chỉ là con đường cấp phối, nhiều năm nay chưa được cải tạo, nâng cấp. Vào mùa mưa việc di chuyển của người dân thường bị trơn trượt, té ngã, mùa khô thì bụi bay mịt mù. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hàng năm, các địa phương đều đề xuất các cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hạ tầng giao thông khó khăn đã cản trở phát triển kinh tế - xã hội ở Tuy Đức

Tỷ lệ đầu tư thấp

Theo thống kê của UBND huyện Tuy Đức, hiện tại toàn huyện có 819,39 km đường giao thông, bao gồm: quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã và đường liên thôn, bon. Hiện nay hầu hết các tuyến đường đều đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc chưa từng được đầu tư xây dựng.

Trên địa bàn huyện Tuy Đức có hai tuyến quốc lộ 14C cũ và 14C mới chạy qua, với tổng chiều dài 65 km. Trong đó, đường nhựa 20 km, đường bê tông 5 km, còn lại 40 km đường cấp phối và đường đất (tỷ lệ cứng hóa đạt 38,46%). Còn tuyến tỉnh lộ kéo dài 45 km được xem là tuyến đường huyết mạch của huyện thì đã xây dựng hơn 10 năm nay và đã hết niên hạn sử dụng từ lâu.

Đối với đường huyện, có tổng chiều dài 116,8 km. Trong số này, đường nhựa chỉ có 28,73 km, đường bê tông xi măng 22,3 km và còn lại 66,3 km đường cấp phối và đường đất (tỷ lệ cứng hóa đạt 43,69%). Hệ thống đường xã là ít được đầu tư nhất hiện nay, với tỷ lệ cứng hóa rất thấp, chiếm 18,72%.

Cụ thể, hiện nay toàn huyện có khoảng 188,73 km đường liên xã. Trong đó, đường nhựa có 30,5 km, đường bê tông xi măng 4,83 km, còn lại 153,4 km đường cấp phối và đường đất. Toàn huyện có 403,86 km đường liên thôn, bon. Trong đó, đường nhựa 82,34 km, đường bê tông xi măng 113,82 km còn lại 207,7 km đường cấp phối và đường đất (tỷ lệ cứng hóa đạt 48,57%).

Ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết: “Tuy Đức là huyện biên giới có diện tích rộng, dân cư đa phần là hộ nghèo và sống rải rác. Nhiều năm qua, huyện đã lồng ghép nhiều dự án, chương trình để xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế hạ tầng giao thông của huyện còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn kinh phí lại eo hẹp, gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường. Vì vậy, huyện rất mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, hỗ trợ, bố trí kinh phí, từng bước nâng cấp hạ tầng giao thông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO