Chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất

Đức Hùng| 21/02/2022 08:40

Những năm qua, huyện Tuy Đức đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước tạo sự phát triển ổn định cho ngành Nông nghiệp. Đến nay, nhiều diện tích cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập cho người dân.

ADQuảng cáo

Năm 2019, hơn 1.500 cây hồ tiêu đang cho thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, ở thôn 1, Đắk Búk So (Tuy Đức) bị chết do dịch bệnh. Sau khi tiêu chết, ông Dũng đã cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng cà phê.

Quá trình chuyển đổi cây trồng, ông Dũng chọn giống cà phê TR4, với nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Năm nay, rẫy cà phê của ông bắt đầu cho thu bói.

Ông Dũng chia sẻ: "Tôi thấy, giống cà phê này mang nhiều ưu điểm như cành khỏe, dẻo dai. Những gia đình khác trồng loại cà phê này đều cho năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha".

Tương tự, cuối năm 2020, ông Phạm Thiên Trìu, ở thôn 3, xã Đắk Búk So, quyết định chuyển đổi rẫy cà phê 1 ha qua sản xuất cây ngắn ngày. Ông Trìu cho biết, sau 30 năm canh tác, cà phê đã già cỗi, hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, nên quyết định chuyển đổi.

Những năm qua, ông trồng cây ngắn ngày để vừa tạo nguồn thu nhập, vừa cải tạo đất. Ông Trìu là người làm nông nghiệp lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cây trồng. Khi chuyển sang cây ngắn ngày, ông đã phát huy được hiệu quả canh tác.

Ông sản xuất rau, củ, quả với hình thức gối vụ, đồng thời nắm bắt sát thị trường tiêu thụ. Với các loại cây trồng như cà tím, dưa leo, cà rốt, bắp sú, cải thảo..., mỗi năm, ông thu về khoảng 200 triệu đồng (trừ chi phí). Mức thu nhập này cao hơn khá nhiều so với trồng cà phê trước đây.

Cây ngắn ngày đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Tuy Đức

ADQuảng cáo

Những năm qua, trước tình hình cây hồ tiêu chết do dịch bệnh, cây cà phê già cỗi, kém hiệu quả, nông dân huyện Tuy Đức đã tích cực chuyển đổi cây trồng sang mắc ca, cây ngắn ngày để tăng năng suất, hiệu quả đầu tư.

Theo thống kê của Phòng NN - PTNT huyện Tuy Đức, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 2.500 ha cây trồng các loại (chủ yếu hồ tiêu, cà phê) sang trồng cây ăn quả, cây ngắn ngày. Đến nay, hầu hết diện tích cây trồng chuyển đổi đều đã cho thu hoạch.

Qua đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả cao, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Qua thời gian canh tác, trình độ thâm canh, chăm sóc cây trồng được chuyển đổi của người dân cũng ngày càng được cải thiện, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Hồ Xuân Hậu, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, năm 2022 khá đặc biệt, tất cả các cấp, ngành, các lĩnh vực cùng đồng loạt thi đua triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Đức lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện nay, huyện đã xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông nghiệp sạch, nông nghiệp liên kết chuỗi… Toàn Đảng bộ quyết tâm, nỗ lực theo đuổi mục tiêu này trong năm 2022 và cả giai đoạn.

Trong đó, ngành Nông nghiệp, nông dân của huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo quy trình, chuỗi giá trị, đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn. Huyện sẽ hình thành các vùng nguyên liệu để thu hút đầu tư vào khâu chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, huyện sẽ thúc đẩy nhanh quá trình cơ giới vào các khâu trong sản xuất. Cùng với đó, huyện trang bị kiến thức cho nông dân để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

"Tuy Đức đang quyết tâm đưa nền nông nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện trong tương lai", ông Hậu cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO