Chính sách mới tạo thêm động lực cho bậc học mầm non

Bài, ảnh: Ngọc Lê| 12/12/2018 09:12

Từ tháng 2/2018, thực hiện Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, ngày 5/1/2018 của Chính phủ, tất cả trẻ em đang theo học các trường mầm non trên địa bàn huyện Tuy Đức đều được hỗ trợ tiền ăn trưa. Nghị định cũng giúp nhiều giáo viên mầm non được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Học sinh mầm non trên địa bàn huyện Tuy Đức đều được hỗ trợ tiền ăn trưa

Toàn huyện Tuy Đức có 3.700 em học sinh mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP. Mức hỗ trợ cho mỗi em là 139.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Số kinh phí này chi trả làm 2 lần trong năm học. Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa của nhà trường, ban giám hiệu cơ sở giáo dục mầm non có thể thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức: Giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em; chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Cô giáo Đỗ Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng (Tuy Đức) cho biết, chính sách này rất thiết thực, đặc biệt là với những trường ở khó khăn như Trường mầm non Hoa Hồng. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều học sinh không học bán trú tại trường. Sau khi chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa có hiệu lực, những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn đều phấn khởi cho con học bán trú. Hiện nay, toàn bộ 283 trẻ mẫu giáo của nhà trường đều đã đăng ký học bán trú. Với mức hỗ trợ 139.000 đồng/tháng, tính ra mỗi ngày mỗi cháu được hỗ trợ hơn 6 ngàn đồng. Như vậy, mỗi cha mẹ học sinh chỉ cần phải đóng thêm tiền ăn khoảng 10 ngàn đồng/ngày là cơ bản có bữa ăn trưa bảo đảm, không còn sợ bị suy dinh dưỡng như trước đây...

Theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, giáo viên mầm non dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt được phụ cấp thêm 450.000 đồng/người/tháng, trong thời gian 9 tháng/năm. Toàn huyện Tuy Đức có 107 giáo viên được hưởng chính sách này. Tiền hỗ trợ theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP được trả cùng với tiền lương hàng tháng và không tính vào số đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài việc được hưởng hỗ trợ bằng tiền, giáo viên thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 06 còn được hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Các đối tượng được áp dụng tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP là trẻ em mẫu thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; hộ nghèo, cận nghèo. Giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn; trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên...  

Cô giáo Đoàn Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi, xã Quảng Tâm (Tuy Đức), vui mừng cho biết: “Công việc của giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực về thời gian, thường đi sớm, về muộn và cường độ làm việc cao. Trong khi đó, tiền lương và các thu nhập khác còn thấp. Ở vùng khó khăn như huyện Tuy Đức, giáo viên mầm non càng vất vả hơn. Khi Nhà nước quan tâm trợ cấp thêm hàng tháng theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, giáo viên được tiếp thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Ông Phạm Quốc Trọng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức trao đổi: “Chính sách hỗ trợ này của Chính phủ thể hiện sự quan tâm rất lớn với giáo dục mầm non, đặc biệt là những vùng khó khăn như huyện Tuy Đức. Sau khi được hỗ trợ, giáo viên và cha mẹ học sinh rất phấn khởi, trẻ em có điều kiện tốt hơn để đến trường. Với sự quan tâm này, giáo dục mầm non tại huyện Tuy Đức sẽ có thêm động lực để phấn đấu, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách mới tạo thêm động lực cho bậc học mầm non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO