Chăn nuôi ở Tuy Đức tăng trưởng

Ngọc Lê| 18/11/2020 08:29

Vài năm trở lại đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện Tuy Đức đã phát triển, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều bà con nông dân.

ADQuảng cáo

Mới phát triển chăn nuôi bò khoảng 3 năm nay, nhưng năm nào gia đình chị Tạ Thị Hợi, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã xuất bán được 4 con bò, thu về hơn 70 triệu đồng.

Chỉ với 4 con bò sinh sản, nhưng năm nào gia đình chị Hợi cũng có nguồn thu nhập hơn  70 triệu đồng

Chị Hợi cho biết, trước đây, khi giá cả các loại cây trồng như: hồ tiêu, cà phê, bơ, sâu riêng… tăng cao, chị không quan tâm đến việc phát triển chăn nuôi. Thời gian gần đây, giá cả nhiều mặt hàng nông sản liên tục xuống thấp, nên gia đình chị đã bước đầu thử nghiệm phát triển 4 con bò sinh sản.

Hàng năm, 4 con bò cái đã sinh sản được 4 con bê con. Thức ăn cho đàn bò rất phong phú, bởi nguồn cỏ quanh vườn rẫy, sình lầy… rất nhiều, dễ khai thác. Ngoài ra, những năm gần đây, các phụ phẩm từ cây ngắn ngày như: lúa, khoai lang, bắp cải… cũng rất nhiều, nên nguồn thức ăn cho bò là rất lớn.

Chỉ với 4 con bò sinh sản, nhưng thu nhập hàng năm của gia đình chị Hợi bằng với 1 ha cà phê. Ngoài ra, gia đình còn có thêm nguồn phân bò để chăm sóc, phát triển cây trồng. "Vì vậy, trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ gia tăng số lượng đàn bò để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, sản xuất”, chị Hợi cho biết.

ADQuảng cáo

Còn gia đình chị Lê Thị Kim Phương, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức), trước đây chỉ chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái. Khi giá cả sản phẩm các loại cây này xuống thấp, gia đình chị đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây ngắn ngày như rau, củ, quả... để tạo thêm nguồn thu nhập.

Gia đình chị Phương còn chuyển đổi 4 sào đất trồng cà phê để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo rừng lai, gà, vịt đẻ trứng. Hiện nay, gia đình chị Phương đã phát triển được 15 con heo nái. Mỗi năm, 15 con heo này sinh sản khoảng 250 heo con.

Từ nguồn heo con này, chị Phương chăm sóc, xuất bán làm heo giống hoặc heo thịt. Với việc chuyển đổi sản xuất này, hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Phương đã có nguồn thu gần 300 triệu đồng, chủ yếu từ việc chăn nuôi heo rừng lai.

Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tuy Đức đạt 220 ha, tăng 30% so với 2019; sản lượng cá đạt 296 tấn. Tổng đàn gia súc đạt 13.636 con, tăng 19,3% so với năm 2019; trong đó có 4.247 con trâu, bò, 7.254 con heo, 1.830 con dê... Đàn gia cầm cũng có sự tăng trưởng ổn định, đạt 242.398, tăng 0,3% so với kế hoạch đề ra.

Theo bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn huyện tiếp tục có chuyển biến tích cực. Qua thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều hộ dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi trang trại. Điều này đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi ở Tuy Đức phát triển theo hướng bền vững, ổn định.

Trong năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng bởi các loại dịch bệnh, nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn huyện Tuy Đức vẫn giữ nhịp phát triển. Đặc biệt, việc chăn nuôi bò thịt đang trở thành thế mạnh tại một số địa bàn như Quảng Trực, Đắk R’tíh, Quảng Tâm…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi ở Tuy Đức tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO