Tập trung phòng, chống khô hạn cho cây trồng

Đức Hùng| 12/03/2015 10:42

Mùa mưa kết thúc sớm, thời tiết khô hanh, lượng nước ở các ao hồ, sông, suối không còn nhiều, đang báo hiệu một mùa khô hạn gay gắt. Nhận định tình hình khô hạn sẽ khốc liệt, các ngành chức năng, địa phương ở Krông Nô đã đồng loạt tổ chức các biện pháp phòng, chống hạn với quyết tâm cao nhất.

ADQuảng cáo

Khô hạn khó tránh

Đặc điểm các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện phần lớn có quy mô nhỏ, lưu vực hẹp, nguồn sinh thủy hạn chế, bị bồi lấp, xuống cấp, trữ lượng nước giảm mạnh vào mùa khô.

Theo cơ quan chuyên môn thì mực nước hiện nay tại công trình hồ chứa Đắk Mâm (Nam Đà) đang xuống thấp hơn so với ngưỡng tràn là 3,2m; công trình hồ chứa Buôn Dơng (xã Quảng Phú) là 1,8m; công trình hồ chứa bon R’cập (xã Nâm Nung) là hơn 3,5m.

Như vậy, mực nước còn lại tại các công trình này chỉ còn khoảng 1-1,5m là xuống mực nước chết. Nhiều bể hút không đủ lượng nước cung cấp để các trạm bơm hoạt động do lượng nước trên sông Krông Nô không đáp ứng đủ. Với nguồn nước dự trữ như hiện nay, cộng với tình hình thời tiết khô hanh, không mưa và nắng nóng kéo dài thì nguy cơ cây trồng bị thiếu nước tưới sẽ xảy ra trên diện rộng trong thời gian tới.

Nông dân chủ động phòng, chống hạn cho các loại cây trồng

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì vụ đông xuân 2014-2015, đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo trồng được 4.225 ha cây trồng các loại; trong đó, lúa: 1.897 ha, ngô: 1.859 ha, rau đậu các loại: 224 ha. Tất cả các loại cây trồng đến thời điểm hiện tại rất cần nước để sinh trưởng và phát triển.

Tuy nhiên, toàn huyện đã có khoảng 544 ha lúa nước bị khô hạn, nằm trên địa bàn các xã Quảng Phú, Nam Đà, Nâm Nung, Buôn Choáh, Đức Xuyên. Đối với cây công nghiệp dài ngày thì có khoảng 3.000 ha bị ảnh hưởng và khô hạn có thể xảy ra trên cây cà phê ở các xã Tân Thành, Nam Xuân, Quảng Phú, Đắk Sô, Đắk D’rô, Nâm Nung.

ADQuảng cáo

Chủ động chống hạn

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì sau khi tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại các cánh đồng, huyện đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân huy động các thiết bị máy móc có sẵn để sẵn sàng chống hạn. Các tổ thủy nông điều tiết, phân phối nước hợp lý, cũng như tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Công tác giám sát, khắc phục sửa chữa các tuyến kênh nội đồng cũng được tăng cường để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây lúa.

Cụ thể, đối với 205 ha  lúa nước tại xã Nam Đà chủ yếu đang trong giai đoạn làm đòng, huyện chỉ đạo bơm nước từ hồ Đắk Mâm để tưới. Còn diện tích lúa nước ở cánh đồng buôn Lang, buôn Dơng ở xã Quảng Phú, xã phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường quản lý chặt chẽ hồ chứa, không để người dân tự ý xả nước, đồng thời có kế hoạch điều tiết hợp lý để tiết kiệm nguồn nước.

Đối với diện tích cây cà phê ở các xã Nam Xuân, Đắk Sôr, huyện cũng đang đề nghị xả nước đập Long Sơn (Đắk Mil) để có nguồn nước tưới. Còn ở các xã Tân Thành, Nam Nung, Đắk D’rô thì địa phương khuyến cáo nhân dân cần tận dụng tối đa tất cả các nguồn nước như ao, giếng khoan tự bơm để tưới chống hạn.

Qua tìm hiểu được biết, để chủ động đối phó với tình hình khô hạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông Chi nhánh Krông Nô cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, nhân viên phụ trách chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình lượng nước, nhu cầu nước tưới của người dân để điều tiết phù hợp, giảm thất thoát, lãng phí. Chi nhánh còn triển khai lắp đặt máy bơm dã chiến để phục vụ tưới cho diện tích khô hạn cục bộ, đảm bảo nhu cầu sản xuất.

Ông Đỗ Tuấn Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông Chi nhánh Krông Nô cho biết: “Để chuẩn bị chống hạn cho vụ đông xuân,  ngay từ đầu vụ, chi nhánh đã triển khai các hoạt động như nạo vét, khơi thông dòng chảy trên 8 hồ chứa và 20km tuyến kênh mương, đảm bảo cho công tác điều tiết nước tưới, hạn chế thất thoát. 10 trạm bơm, 5 máy bơm dã chiến đã sẵn sàng phục vụ công tác chống hạn cục bộ và trên diện rộng. Hiện nay, chi nhánh đã có phương án chống hạn cụ thể cho các cánh đồng, các khu vực có khả năng xảy ra khô hạn lớn”.

Về phía người dân cũng tích cực ra quân khơi thông kênh mương, nạo vét ao hồ, đào giếng để chủ động nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng của gia đình. Bên cạnh đó, đối với những diện tích cây trồng bấp bênh nguồn nước, được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, ngay từ đầu vụ, bà con đã chuyển đổi khoảng 200 ha đất lúa sang trồng các loại hoa màu khác như khoai lang, bí đỏ, ngô...không những giảm bớt áp lực về nguồn nước tưới mà hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phòng, chống khô hạn cho cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO