Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Krông Nô: Hướng đến ngành nông nghiệp bền vững

Đức Hùng| 17/09/2015 09:14

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, huyện Krông Nô đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình sản xuất ngô giống F1 tại xã Đức Xuyên đem lại hiệu quả kinh tế cao

HÌNH THÀNH VÙNG CHUYÊN CANH

Sau khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo sát các ban ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, kết hợp với quy hoạch chi tiết nông thôn mới, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn cho ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện được thực hiện khá đồng bộ.

Đối với cây ngắn ngày, huyện thực hiện việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng ở các xã trọng điểm lương thực như Buôn Choáh, Nâm N’đir, Đức Xuyên… tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa. Đối với cây công nghiệp dài ngày thì tập trung chăm sóc thâm canh cây cao su, cà phê, tiêu, nhất là triển khai chương trình tái canh gần 2.800 ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả.

Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap lên đến 1.270 ha ở các xã: Buôn Choáh 500 ha, Nâm N’đir 300 ha, Nam Đà 150 ha,  Đắk Drô 100 ha,  Đức Xuyên 100 ha, Đắk Nang 120 ha, với giá trị gia tăng 30%.

Vùng chuyên cảnh sản xuất ngô giống F1 là 470 ha gồm: Đức Xuyên 150 ha, Đắk Nang 20 ha, Nâm N’đir 150 ha, Buôn Choáh 150 ha, với giá trị gia tăng trên 40%. Vùng sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn GAP, 4C và UTZ là 1.700 ha, gồm: Đắk Drô 300 ha, Nam Đà 200 ha, Tân Thành 200 ha, Nâm Nung 300 ha, Đắk Mâm 200 ha, Đắk Sôr 200 ha, Nâm N’đir 300 ha, với giá trị gia tăng 30%.

Một số cây trồng mới như siêu cao lương cũng được triển khai trồng ở các vùng đất bấp bênh nguồn nước thuộc các xã Nam Xuân, Đắk Sôr, Quảng Phú, Đức Xuyên để tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy của Công ty NTS Patno khoảng 500 – 700 ha…Ngoài ra, một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa cây đa con được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có chiều sâu như trồng vải thiều, bơ Boot, cải tạo đàn bò lai và nuôi cá lồng trên sông Krông Nô.

Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đã có những chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất đạt trên 61 triệu đồng/ha, tăng trên 13 triệu đồng so với năm 2010. Sản phẩm nông nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường. Khu vực nông nghiệp đến năm 2015 chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế của huyện.

Nuôi cá lồng trên sông Krông Nô được nông dân áp dụng có hiệu quả

HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC  

Có thể nói, để đạt được kết quả đáng ghi nhận trên, thời gian qua, huyện đã ưu tiên đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, hàng năm huyện bố trí nguồn kinh phí cho công tác xây dựng, khảo nghiệm các giống cây, con mới và chuyển giao các mô hình cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp, sản xuất hướng vào chế biến sâu, ổn định, hạn chế rủi ro về thiên tai. 

Đội ngũ cán bộ chuyên môn cũng thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu về trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ sinh học để phục vụ cho công tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.  Huyện cũng tập trung khai thác các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Các tổ chức kinh tế, nông dân cũng được hỗ trợ, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phục vụ sản xuất, được tạo thuận lợi trong lưu thông, giảm giá thành, chi phí vận chuyển. Mối liên kết giữa “4 nhà” cũng ngày càng được mở rộng, nhất là một số doanh nghiệp đã đứng ra làm “cầu nối, bà đỡ” cho nông dân trong nhiều khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với một số sản phẩm như lúa gạo, cà phê… cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Krông Nô lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định, sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 chiếm 51%, giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xanh, sạch, bền vững vẫn là hướng đi của huyện, cần phải được nâng lên tầm cao mới. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, đồng thời thí điểm những mô hình mới, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trang trại đa cây đa con, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Krông Nô: Hướng đến ngành nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO